CẢI THIỆN VÙNG CHỌN VỚI LỆNH REFINE EDGE
Thông qua bài viết trước, chúng ta đã hiểu được rằng Focus Area cho phép người dùng thực hiện các lựa chọn dựa trên các vùng tiêu điểm, khiến cho nó có thể tách chủ thể ra khỏi nền một cách tuyệt vời.
Bên cạnh đó chúng ta cũng biết được rằng việc tạo lựa chọn dựa trên tiêu điểm là một quá trình gồm hai bước. Trước tiên chúng ta sử dụng các công cụ trong hộp thoại Focus Area để tạo vùng chọn ban đầu. Sau đó chọn vùng chọn ban đầu đó và chuyển nó vào lệnh Refine Edge. Đây sẽ là nơi chúng ta xử lý và tinh chỉnh lại vùng chọn.
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn mọi người cách di chuyển vùng chọn từ Focus Area sang Refine Edge cũng như những điều cần biết về cách hoạt động của Refine Edge để có thể tạo ra các vùng chọn dựa trên tiêu điểm tốt nhất. Trước khi chuyển sang lệnh Refine Edge, hãy đảm bảo rằng bạn đã tạo lựa chọn ban đầu bằng Focus Area nhé. Refine Edge là một công dụng cực kỳ hữu ích, tuy nhiên nó lại không có khả năng tạo các lựa chọn ban đầu, chức năng chính của nó là dành cho các cạnh của vùng chọn.
Tiếp tục sử dụng hình ảnh trong bài viết trước làm ví dụ minh họa:
Ảnh minh họa.
Và đây là lựa chọn ban đầu của mình sau khi thực hiện với các công cụ trong hộp thoại Focus Area. Lưu ý, khi mình tách hình ảnh bé gái và chú chó nhỏ khỏn nền mờ phía sau thì các cạnh của vùng chọn trông khá thô và cứng nhắc, lởm khởm:
Vùng chọn ban đầu được tạo bởi Focus Area.
Trước tiên hãy bắt đầu bằng cách di chuyển vùng chọn từ Focus Area sang Refine Edge.
Di Chuyển Vùng Chọn Sang Refine Edge
Để di chuyển vùng chọn từ Focus Area sang Refine Edge, chúng ta chỉ cần nhấp vào nút Refine Edge ở phía dưới bên trái hộp thoại Focus Area:
Nhấn nút Refine Edge.
Hộp thoại Focus Area sẽ biến mất và thay vào đó là Refine Edge:
Hộp thoại Refine Edge.
Chế Độ Xem
Refine Edge xuất hiện trong các phiên bản gần đây của PTS, có thể thấy rằng nó trông khá giống với hộp thoại Focus Area như bố cục chung chẳng hạn. Thậm chí nó cũng có chế độ View giống Focus Area, nơi chúng ta có thể nhấp vào hình thu nhỏ để truy cập các hình nền khác nhau như On White, On Black, On Layers… Tương tự Focus Area, người dùng có thể chuyển qua lại giữa các chế độ xem bằng cách nhấn liên tục phím F:
Refine Edge cũng có chế độ View tương tự như Focus Area.
Công Cụ Điều Hướng
Nó cũng bao gồm cả các công cụ điều hướng ở ngay phía trên bên trái hộp thoại, với các biểu tượng để chọn Zoom Tool và Hand Tool:
Zoom Tool và Hand Tool.
Tuy nhiên như đã đề cập ở bài viết trước, bạn nân sử dụng các phím tắt để có thể truy cập tạm thời các công cụ điều hướng khi cần. Nhấn phím Ctrl+phím cách (Win) / Command+phím cách (Mac) và nhấp vào hình ảnh để phóng to hoặc Alt+ phím cách (Win) / Option+ phím cách (Mac) để thu nhỏ. Để cuộn hình ảnh, chỉ cần nhấn giữ phím cách để truy cập Hand Tool sau đó nhấp và kéo hình ảnh.
Edge Detection
Hộp thoại Refine Edge được chia làm bốn phần chính: View Mode, Edge Detection, Adjust Edge, and Output (tương tự với Focus Area nhưng vẫn có khác biệt cần lưu ý). Trong số bốn phần này thì quan trọng nhất vẫn là Edge Detection. Nó được coi như là linh hồn của Refine Edge và cũng chính là cách hoạt động của lệnh này.
Giống như cái tên của nó, PTS sẽ cố gắng phát hiện vị trí các cạnh của lựa chọn thực sự nên ở đâu. Nó thực hiện điều này bằng cách phân tích các khu vực xung quanh đường viền lựa chọn ban đầu, cả khu vực bên trong và bên ngoài đường viền chọn để tìm ra các cạnh. Đối với PTS, một cạnh là khu vực có sự chuyển đổi đột ngột về tông màu hay màu sắc giữa các pixel liền kề. Điều duy nhất chúng ta cần làm là cho PTS biết được phạm vi tìm kiếm nó có thể hoạt động là bao xa so với đường viền lựa chọn ban đầu, khoảng cách này chính là Radius.
Điều Chỉnh Radius
Mình sẽ phóng to hình ảnh để có thể dễ dàng quan sát các cạnh vùng chọn xung quanh khu vực tóc của cô bé. Đây là cái nhìn trực diện về cạnh khi không áp dụng tính năng phát hiện canh (Edge Detection):
Lựa chọn ban đầu.
Theo mặc định, giá trị Radius (khoảng cách từ đường viền chọn ra ngoài) được đặt là 0 px (pixel). Về cơ bản thì có nghĩa là tình năng này hiện đang tắt. Mình sẽ tăng giá trị Radius lên khoảng 20 pixel bằng cách kéo thanh trượt về bên phải:
Kéo thanh trượt về bên phải để tăng giá trị Radius.
Hãy chú ý tới những gì đã xảy ra với các cạnh của lựa chọn. Chỉ với thao tác tăng giá trị Radius, PTS đã có thể thêm nhiều phần tóc cô bé vào vùng chọn, khiến cho nó trông tự nhiên hơn thay vì những cạnh trông khá thô ban đầu. Lý do là bởi vì mình đã yêu cầu PTS xem xét quanh khu vực (cả trong và ngoài) cách đường viền chọn ban đầu 20 pixel và cho nó quyền thêm/loại bất kỳ khu vực nào nên/không nên:
Vùng chọn xung quanh khu vực tóc bé gái đã trở nên tự nhiên hơn.
Giờ thử tăng giá trị Radius lên 40 pixel xem sao nhé:
Tiếp tục tăng giá trị Radius.
Bây giờ mình có được kết quả trông càng tự nhiên hơn nữa khi mà nhiều sợi tóc được thêm vào hơn nữa. Nhờ vào việc tăng giá trị Radius lên 40 mà PTS có thể chọn lựa thêm nhưng gì cần thêm vào hay loại bỏ khỏi vùng chọn:
Kết quả sau khi tiếp tục tăng giá trị Radius.
Nền trắng khiến cho chúng ta hơi khó nhìn phần tốc nên mình sẽ nhấn vào phím B để chuyển sang chế độ On Black, như vậy sẽ giúp cho dễ quan sát hơn:
Đổi màu nền sang màu đen.
Show Radius
Để hiểu rõ hơn về cách hoạt động của Radius thì chúng ta cần phải thực sự nhìn thấy nó. Hãy chọn tùy chọn Show Radius ở phía trên cùng của hộp thoại để có thể xem Raidus bất cứ lúc nào. Hoặc có thể sử dụng phím tắt J:
Bật Show Radius.
Sau khi bật Show Radius, chúng ta có thể thấy nó xuất hiện xung quanh đường viền lựa chọn ban đầu giống như chúng ta đã áp dụng một nét vẽ nào đó cho đường viền vậy. Nét này chính là vùng chuyển tiếp giữa những gì được chọn và không được chọn, đây chính là nơi PTS phân tích hình ảnh để tinh chỉnh vùng chọn:
Và đây là nhưng gì chúng ta sẽ thấy khi bật Show Radius.
Nếu vẫn tiếp tục tăng giá trị Radius lên khoảng 80 pixel, ta sẽ thấy chiều rộng của Radius tiếp tục tăng lên. Đồng nghĩa với việc nhiều vùng xung quanh đường viền lựa chọn sẽ được PTS đưa vào phân tích hơn:
Giá trị Radius càng cao thì khu vực được đưa vào phân tích càng lớn.
Tuy nhiên nếu tăng giá trị Radius quá đà thì chúng ta sẽ khiến cho PTS phải phân tích khu vực khá rộng khiến cho mọi thứ đôi khi có thể đi lệch hướng. Các vùng nền không muốn muốn có thể sẽ được đưa vào vùng chọn và thậm chí có thể làm mất đi các vùng mà bạn đầu ta đã chọn và muốn giữ lại. Mình sẽ nhấn phím J để tắt tùy chọn Show Radius và qua lại xem lựa chọn thực tế. Giờ hãy nhìn vào vùng lông con chó, có thể thấy do đặt giá trị Radius quá cao nên vùng chọn ở khu vực này đã bị mất nét. Chúng ta cần giảm Radius xuống một giá trị nhỏ hơn. Giá trị thực tế hoàn toàn phụ thuộc vào hình ảnh và loại chủ thể mà bạn chọn, do đó mỗi cái thích hợp với một giá trị Radius khác nhau và bạn cần phải kiểm tra thử xem đâu là giá trị phù hợp:
Giá trị Radius quá cao khiến cho khu vực lông con chó có vấn đề.
Smart Radius
PTS có thể thực hiện tốt việc tinh chỉnh vùng chọn bằng cách tăng giá trị Radius, nhưng đối với những hình ảnh có nhiều kiểu cạnh thì nên có thêm nhiều thông tin hơn cho Edge Detective. “Nhiều kiểu cạnh” nghĩa là có một số cái lớn nhưng ít rõ ràng hơn như tóc của cô bé hay lông của chú cún, ngoài ra cũng có những vùng sắc nét hơn, được xác định rõ ràng hơn như mép áo của cô bé. Còn “nhiều thông tin hơn” ý là trông những tình huống như này người dùng nên kích hoạt một tùy chọn có tên gọi Smart Radius.
Những khu vực như tóc hay lông cần sử dụng giá trị Radius lớn hơn để có thể đưa nhưng sợi tóc lả lơi vào vùng chọn, trong khi các vùng sắc nét và cứng như méo áo thì chỉ cần giá trị Radius nhỏ. Tuy nhiên nếu như bật Show Radius thì có thể thấy rằng nó vẫn giữ nguyên chính xác chiều rộng xung quanh vùng chọn dù gặp bất cứ loại cạnh nào:
Chiều rộng của Radius không hề thay đổi.
Để khắc phục điều này, hãy bật Smart Radius lên bằng cách tích vào ô ngay phía trên thanh trượt:
Bật Smart Radius.
Sau khi bật Smart Radius, PTS có thể thay đổi chiều rộng của Radius sao cho phù hợp với loại cạnh mà nó gặp. Ở đây mình đang phóng to khu vực phía trên đầu chú chó để có thể quan sát kĩ hơn. Lưu ý những khu vực có lông dài thì chiều rộng của Radius lớn hơn so với khu vực lông ngắn. Khi đã bật Smart Radius chắc chắn bạn sẽ muốn điều chỉnh lại giá trị Radius bằng thanh trượt chính để xem liệu có thể đạt được kết quả tốt hơn nữa không (tất nhiên là nên làm điều khi đã tắt Show Radius đi nhé):
Smart Radius cho phép kích thước Radius thay đổi tùy thuộc vào loại cạnh.
Refine Radius Tool Và Erase Refinements Tool
Đôi khi việc tăng giá trị Radius và bật Smart Radius vẫn chưa đủ. Trên thực tế thì hiếm khi nào bạn cảm thấy hài lòng ngay khi chỉ mới sử dụng hai tùy chọn này. Vẫn sẽ còn những khu vực cần tinh chỉnh thêm và đó là lý do vì sao PTS cho phép chúng ta vẽ thủ công những khu vực cần bổ sung bằng công cụ có tên gọi Refine Radius Tool. Nó được chọn theo mặc định, tuy nhiên bạn cũng có thể nhấp vào biểu tượng ở phía bên trái hộp thoại để truy cập công cụ này:
Chọn Refine Radius Tool.
Mặc dù ở đây chỉ có một biểu tượng như trên thực tế có tới hai công cụ mà chúng ta có thể truy cập từ nó. Chỉ cần nhấp giữ vào biểu tượng và sẽ có một menu hiện ra: công cụ bên trên là Refine Radius Tool và công cụ bên dưới là Erase Refinements Tool (có tác dụng xóa Radius ở những vùng không cần dùng đến nó). Nhưng nhìn chung chúng ta sẽ sử dụng Refine Radius Tool nhiều hơn nên hãy xem nó hoạt động như nào nhé:
Nhấn giữ vào biểu tượng sẽ hiện ra menu chứa hai công cụ.
Với Refine Radius Tool được chọn, chúng ta chỉ cần vẽ qua các khu vực xung quanh cạnh lựa chọn vẫn cần làm việc. Bởi vì nó là một công cụ cọ vẽ nên người dùng có thể thay đổi kích thước của nó tùy theo kích thước của khu vực đang tô. Kéo thanh trượt tùy chọn Size trong thanh tùy chọn để thay đổi kích thước cọ vẽ:
Nhấn vào mũi tên nhỏ để truy cập thanh trượt, sau đó kéo thanh trượt để thay đổi kích thước cọ.
Một cách khác nhanh hơn đó là nhấn liên tục phím “[” để thu nhỏ cọ hoặc phím “]” để phóng to cọ. Sau đó chỉ cần tô lên một khu vực cần xử lý cạnh. Dưới đây là một khu vực dọc theo tóc trên đỉnh đầu cô bé, trông nó vẫn còn hơi lởm chởm:
Khu vực cần tinh chỉnh thêm.
Mình sẽ vẽ một nét đơn lên khu vực đó bằng Refine Radius Tool, cố gắng lấy càng nhiều sợi tóc càng tốt mà không đi quá sâu sang phần nền:
Tô phần tóc ở trên đỉnh đầu.
Sau khi thả chuột, PTS sẽ thêm khu vực đó vào Radius, phân tích và tìm các cạnh có thể thêm nhiều tóc hơn vào vùng chọn cũng như đồng thời loại bỏ phần nền không mong muốn. Đây thực sự là một công cụ rất hữu ích:
Refine Radius Tool có thể xử lý tốt các cạnh khó nhằn.
Đôi khi sẽ cần tốn thêm vài thao tác với Refine Radius Tool hoặc là cần vẽ nhiều nét nhỏ hơn là chỉ vẽ một nét liền mạch để xử lý khu vực nào đó. Tương tự ta cần xử lý phần lông phía bên trên tai con cún. Cạnh lựa chọn trông vẫn quá mềm và mờ:
Một khu vực khóc cần tinh chỉnh.
Lần này mình sẽ thử vẽ vài nét cọ nhỏ hơn, điều này giúp cho PTS phân tích vấn đề theo từng phần nhỏ. Hãy nhớ Refine Edge chi cho phép hoàn tác thao tác gần nhất. Nhấn Ctrl+Z (Win) / Command+Z (Mac) để hoàn tác thao tác cuối cùng sau đó tiếp tục công việc:
Vẽ bằng cọ có kích thước nhỏ hơn.
Một tùy chọn khác để xử lý nếu như mắc lỗi đó là chuyển sang Erase Refinements Tool, công cụ này có chức năng ngược lại so với Refine Radius Tool. Thay vì mở rộng Radius bằng cách tô nhiều hơn khu vực xung quanh cạnh vùng chọn thì Erase Refinements Tool sẽ xóa Radius khu vực bạn tô. Nó sẽ không xóa đi bất kì phần nào của lựa chọn ban đầu (tức là lựa chọn đã xuất hiện trước khi bạn mở nó trong Refine Edge). Công cụ này sẽ chỉ xóa Radius do chúng ta tự thêm vào bằng cách sử dụng thanh trượt Radius hoặc Refine Radius Tool.
Như đã giới thiệu lúc trước. Erase Refinements Tool cùng nằm chung trong một biểu tượng với Refine Radius Tool. Người dùng chỉ cần nhấp giữ biểu tượng công cụ ở bên trái của hộp thoại và chọn nó trong menu ẩn:
Nhấn giữ biểu tượng công cụ rồi chọn Erase Refinements Tool.
Người dùng hoàn toàn có thể chuyển đổi nhanh giữa hai công cụ này bằng cách nhấn phím E. Tuy nhiên có một cách nhanh hơn nữa để truy cập Erase Refinements Tool đó là truy cập tạm thời khi cần dùng đến. Với Refine Radius Tool đang hoạt động, chỉ cần nhấn phím Alt (Win) / Option (Mac) để chuyển sang Erase Refinements Tool (bạn sẽ thấy dấu “+” nhỏ trong con trỏ cọ vẽ chuyển sang dấu “-”). Sau đó tô lên khu vực cần xóa Radius. Nhả phím Alt (Win) / Option (Mac) để quay trở lại làm việc với Refine Radius Tool. Erase Refinements Tool cực kỳ hữu ích để xử lý các khu vực của lựa chọn ban đầu đang bị loại ra khỏi vùng chọn. Chúng ta chỉ cần dùng Erase Refinements Tool tô lên những vùng đó để thêm chúng trở lại vùng chọn một cách nhanh chóng.
Sau một vài nét vẽ nhỏ bằng Refine Radius Tool, khu vực lông của chú chó đã được cải thiện đáng kể:
Phần lông trông đã ổn hơn nhiều.
Bật/Tắt Bản Xem Trước
Chúng ta có thể so sánh công việc đang làm trong Refine Edge với lựa chọn ban đầu bất kể lúc nào bằng cách bật tùy chọn Show Original nằm ngay dưới Show Radius trong hộp thoại. Hoặc sử dụng phím tắt P để bật/tắt nó:
Tích vào Show Original.
Khác với tùy chọn xem trước của Focus Area, việc bật Show Original sẽ không hiển thị hình ảnh gốc. Thay vào đó nó sẽ cho người dùng thấy các cạnh lựa chọn ban đầu vốn có trước khi mở lệnh Refine Edge. (Mẹo nhỏ: nếu muốn xem hình ảnh gốc khi làm việc trong Refine Edge hãy nhấn phím tắt X, nhấn thêm lần nữa để trở lại nhanh với Refine Edge):
Sử dụng Show Original để so sánh hiệu quả của quá trình tinh chỉnh với lựa chọn ban đầu.
Các Tùy Chọn Điều Chỉnh Cạnh
Phía dưới Edge Detection là bốn tùy chọn điều chỉnh cạnh mà chúng ta có thể sử dụng để tinh chỉnh bổ sung, mặc dù các tùy chọn này khá cơ bản và không nhạy bén bằng Edge Detection. Kéo thanh trượt Smooth sẽ giúp làm mịn các cạnh răng cưa nào còn sót lại, trong khi đó thanh trượt Fearther có tác dụng làm mịn vùng chọn (thường thì bạn sẽ không muốn động tới nó)
Hai tùy chọn sau hữu ích hơn chút. Khi kéo thanh trượt Contrast về bên phải sẽ làm thắt chặt các cạnh của vùng chọn (đối nghịch với Feather), còn Shift Edge thì sẽ dùng để mở rộng hoặc thu nhỏ toàn bộ vùng chọn (giá trị Shift Edge âm sẽ di chuyển toàn bị cạnh lựa chọn vào trong và ngược lại). Dưới đây là cận cảnh tay áo sơ mi của bé gái. Lưu ý cạnh ở đây trông khá mềm mại và không được xác định rõ ràng:
Cạnh phần tay áo trước khi tăng độ tương phản.
Mình sẽ kéo Contrast lên khoảng 20%:
Tăng giá trị Contrast.
Bằng cách này, cạnh tay áo giờ đây trông sắc nét hơn. Mình sẽ thử béo cạnh vào sâu hơn chút nữa bằng việc kéo thanh trượt Shift Edge một chút về phía bên phải:
Tay áo sau khi tăng độ tương phản cạnh.
Tiếp tục dùng cách này để giải quyết các khu vực còn gặp vấn đề. Và đây là kết quả cuối cùng:
Vùng chọn trông đẹp hơn rất nhiều so với khi sử dụng các công cụ của Focus Area.
Output
Vậy là chúng ta đã tạo lựa chọn dựa vào tiểu điểm ban đầu bằng Focus Area và tiến hình tinh chỉnh lại các cạnh bằng Refine Edge. Và Output chính là nơi để người dùng quyết định cách xuất lựa chọn cuối cùng. Chúng ta có thể chọn từ các tùy chọn của nó như Layer Mask, New Layer…Hãy nhần vào Output To để xem tất cả tùy chọn:
Tùy chọn Output.
Tuy nhiên, trước khi xuất lựa chọn, chúng ta cần xem xét lại một tùy chọn trước. Đó là Decontaminate Colors. Nhìn vào dọc theo mép lông của chú chó ở khu vực này, có thể thấy trông nó hơi có màu xanh. Không phải vì chú chó này bị bệnh mà do một số nền xanh lá cây đang hòa trộn cùng với các pixel dọc theo rìa cạnh của vùng chọn:
Phần lông có màu hơi xanh.
Để khắc phục sự cố này, chúng ta có thể bật tính năng Decontaminate Colors. Tính năng này sẽ cố gắng khắc phục lỗi bằng cách thay đổi màu của các pixel xung quanh mép ngoài vùng chọn. Khi Decontaminate Colors dược bật, người dùng có thể điều chỉnh Amount bằng cách kéo thanh trượt:
Tùy chọn Decontaminate Colors.
Có thể thấy sau khi bật Decontaminate Colors, vấn đề về màu này đã được giải quyết:
Màu lông đã trở lại giống với ban đầu.
Một số vấn đề mọi người cần lưu ý trước khi quyết định sử dụng tùy chọn Decontaminate Colors. Đầu tiên, PTS sẽ thay đổi màu có một số pixel trong ảnh, có nghĩa là một sửa đổi mang tính phá đi cấu tạo gốc vĩnh viễn (đây là điều mà đa phần chúng ta đều cố gắng tránh). Thứ hai, không phải lúc nào nó cũng hoạt động tốt, hoặc nó có thể hoạt dộng tốt ở lĩnh vực vực này nhưng trong lĩnh vực khác thì lại có thể sẽ tạo ra vài vấn đề. Thứ ba, ngay sau khi chọn Decontaminate Colors, PTS sẽ giới hạn các tùy chọn Output. Nó sẽ tự động chọn New Layer with Layer Mask và ngăn không cho bạn xuất lựa chọn ra với đường viền nối tiếp tiêu chuẩn. Lưu ý rằng hai tùy chọn hàng đầu hiện đã chuyển sang màu xám:
Hai tùy chọn đầu tiên không khả dụng.
Trong bài hướng dẫn này, mình chỉ muốn xuất lựa chọn dưới dạng phác thảo lựa chọn với đường viền nối tiếp truyền thống, và để làm được điều này mình sẽ tắt Decontaminate Colors rồi chọn Selection trong menu:
Chọn Selection.
Nhấp OK ở dưới cùng hộp thoại Refine Edge để xác nhận tất cả cài đặt và xuất lựa chọn:
Nhấn OK.
Hộp thoại Refine Edge sẽ biến mất và hình ảnh gốc sẽ xuất hiện cùng với một phác thảo lựa chọn tiêu chuẩn xuất hiện xung quanh đối tượng mình đã chọn:
Vùng chọn được tạo ra bởi Focus Area và Refine Edge.
Xin nhắc lại, mục tiêu cuối cùng của mình là giữ nguyên các đối tượng và chuyển đổi nền sang màu đen trắng. Nên giờ đây, với lựa chọn dựa trên tiêu điểm mà mình đang có mình sẽ nhanh chóng làm nốt công việc. Trước tiên hãy nhấp vào biểu tượng New Adjustment Layer ở dưới cùng bảng điều khiển Layers:
Nhấn vào biểu tượng New Adjustment Layer.
Chọn Hue/Saturation từ danh sách:
Chọn Hue/Saturation.
Các điều chỉnh và tùy chọn của Hue/Saturation sẽ xuất hiện trong bảng Properties của PTS. Để loại bỏ màu, chúng ta chỉ cần hạ giá trị Saturation xuống -100 bằng cách kéo thanh trượt sang trái:
Kéo thanh trượt Saturation để loại bỏ màu.
Vấn đề ở đây là mọi thứ đang đi ngược lại với điều mình mong muốn. Chủ thể hiện có màu đen trắng trong khi đó nền vẫn giữ nguyên màu. Lý do là bởi mình đã chọn giảm giá trị Saturation chứ không phải là nền:
Có chút sai lầm trong việc chỉnh màu đen trắng.
Để khắc phục sự cố này, mình sẽ chuyển từ điều khiển Hue/Saturation sang layer mask bằng cách nhấn vào biểu tượng Masks ở đầu bảng Properties:
Nhấn vào biểu tượng Masks.
Trong các tùy chọn layer mask, mình sẽ nhấn vào Invert:
Nhấn vào Invert.
Thao tác này sẽ đảo ngược layer mask sao cho layer background là thứ chịu ảnh hưởng bởi Hue/Saturation trong khi các chủ thể chính được giữ nguyên:
Kết quả cuối cùng.
Đối với hầu hết các công cụ tự động trong PTS, các lựa chọn bạn tạo được từ Focus Area và Refine không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Sẽ còn vài khu vực cần xử lý bằng cách thủ công. Tuy nhiên đa số đều có thể được xử lý tốt bởi công cụ Focus Area rồi sau đó tinh chỉnh lại bằng Refine Edge để cải thiện vùng chọn ban đầu để đem lại kết quả tốt nhất