Hướng Dẫn Sử Dụng Nhóm Công Cụ Free Transform Trong Photoshop

0
2836

Kĩ Năng Cơ Bản Cần Biết Về Free Transform

Trong bài hướng dẫn này, chúng ta sẽ cùng học cách sử dụng lệnh Free Transform để có thể dễ dàng thay đổi kích thước và định hình lại các đối tượng trong ảnh.

Chúng ta sẽ thấy rằng lệnh Free Transform không chỉ hữu ích trong việc cho phép người dùng tự do di chuyển, thay đổi kích thước, định hình lại mọi thứ mà nó còn cho phép chúng ta chuyển đổi giữa các lệnh biến đổi khác của PTS như Skew, Distort, Perspective và Warp. Chúng ta có thể áp dụng đồng thời những lệnh này chỉ trong một bước, giúp giảm thiểu sự giảm chất lượng hình ảnh xảy ra do các chỉnh sửa.

Lệnh Free Transform có thể áp dụng cho các layer, vùng chọn, hình dạng, văn bản… Thậm chí nó còn có thể áp dụng cho layer mask hay vector mask. Và khi kết hợp với sức mạnh của Smart Objects thì mọi thứ chúng ta thực hiện với Free Transform đều trở nên không thể phá hủy. Với tất cả những điều trên, việc biết cách sử dụng Free Transform trở thành một trong những kỹ năng cần thiết nhất trong PTS. Hãy cùng xem nó hoạt động như nào nhé!

Mình sẽ sử dụng Photoshop CC trong bài hướng dẫn này tuy nhiên mọi hướng dẫn đều có thể áp dụng cho Photoshop CS6. Một lưu ý nhỏ nhưng không kém phần quan trọng, đó là trong bản cập nhật Photoshop CC vào tháng 11 năm 2015, Adobe đã có một số thay đổi đối với giao diện của PTS. Có nghĩa là nếu bạn đang sử dụng Photoshop CS6 hay bản Photoshop CC cũ hơn thì giao diện sẽ hơi khác so với những hình ảnh ví dụ minh họa của mình chút. Tuy nhiên sự khác biệt này không hề ảnh hưởng đến việc sử dụng lệnh Free Transform vì những điều cơ bản hoàn toàn không thay đổi. Nói chung là hướng dẫn này hoàn toàn tương thích với các phiên bản PTS nên các bạn không cần phải lo lắng quá khi bản thân đang sử dụng một phiên bản Photoshop khác. Giờ thì cùng bắt đầu thôi!

Cách Sử Dụng Lệnh Free Transform Trong PTS

Tạo Một Tài Liệu Mới

Nếu như bạn chỉ muốn biết về cách hoạt động của Free Transform thì vui lòng bỏ qua bước này và trực tiếp đọc luôn từ “Mở Rộng Một Đối Tượng”. Còn nếu bạn muốn đi theo từng bước một thì hãy cùng mình tìm hiểu bước đầu tiên: tạo một tài liệu mới rồi sau đó thêm một hình dạng tùy chỉnh mà chúng ta có thể sử dụng để thực hành các kĩ năng Free Transform.

Để bắt đầu, mình sẽ đi tới menu File trên thanh menu rồi chọn New hoặc sử dụng phím tắt Ctrl+N (Win) / Command+N (Mac):

File > New.

Thao tác này sẽ mở ra hộp thoại New của PTS. Đối với bài hướng dẫn này, mình sẽ đặt tài chiều rộngchiều cao của tài liệu là 1200 x 800 (pixel). Các bạn hoàn toàn có thể chọn các tùy chọn khác, tuy nhiên hãy đảm bảo nội dung phần nền (Background) là màu trắng, vì nên trắng giúp chúng ta dễ dàng nhìn thấy công việc mình đang làm hơn.

Nhắc lại một chút, mọi người không cần lăn tăn về phiên bản PTS các bạn đang sử dụng có phần khác với mình. Các tùy chọn hoàn toàn giống nhau. Sau khi hoàn tất hãy nhấn OK để đóng hộp thoại và một tài liệu mới với nền màu trắng sẽ xuất hiện trên màn hình:

Tạo một tài liệu mới với kích cỡ 1200 x 800 (pixel), nền trắng.

Vẽ Một Hình Dạng Tùy Chỉnh

Tiếp theo, hãy thêm một đối tượng vào tài liệu để có thể thực hiện việc biến đổi nó. Mình sẽ sử dụng một trong những hình dạng tùy chỉnh của PTS. Để thêm một hình dạng tùy chỉnh, chúng ta cần Custom Shape Tool. Theo mặc định, công cụ này nằm ẩn sau Rectangle Tool vì thế ta chỉ cần nhấn chuột phải vào biểu tượng Rectangle Tool rồi chọn Custom Shape Tool trong menu ẩn:

Chọn Custom Shape Tool.

Sau khi chọn Custom Shape Tool, thanh tùy chọn dọc theo đầu màn hình sẽ thay đổi để hiển thị các tùy chọn dành riêng cho Custom Shape Tool. Một trong những tùy chọn quan trọng nhất mà chúng ta có khi sử dụng Custom Shape Tool (hay bất kì công cụ hình dạng nào khác của PTS) đó là tùy chọn Tool Mode. Nó cho phép người dùng chọn xem chúng ta muốn vẽ hình dạng vector, đường dẫn hay hình dạng được tạo nên từ pixel.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về sự khác biệt giữa hình dạng vector và hình dạng pixel bài viết “Hướng Dẫn Về Hình Dạng Vector Và Hình Dạng Pixel”. Lý do điều này khá quan trọng khi tìm hiểu về Free Transform đó là vì lệnh Free Transform này thực sự có nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào đối tượng đã được chọn.

Để giải thích rõ hơn cho bạn hiểu ý của mình thì mình sẽ bắt đầu bằng cách vẽ một hình dạng vector. Để làm được điều này, hãy đảm bảo tùy chọn Tool Mode trên thanh tùy chọn được đặt là Shape (viết tắt của Vector Shape):

Đặt tùy chọn Tool Mode trên thanh tùy chọn là Shape.

Tiếp theo chúng ta cần chọn hình dạng tùy chỉnh muốn vẽ. Hình thu nhỏ xem trước hình dạng trong thanh tùy chọn sẽ cho chúng ta thấy hình dạng hiện đang được chọn. Nhấp vào nó để chọn một hình dạng khác:

Nhấp vào hình thu nhỏ xem trước hình dạng.

Khi nhấp vào hình thu nhỏ sẽ mở ra Custom Shape Picker. Hình dạng mà mình muốn chọn trong bài hướng dẫn này là hình giống như một lưới kim cương 3×3. Nhấp vào hình thu nhỏ của nó sau đó nhấn Enter (Win) / Return (Mac) để đóng Custom Shape Picker:

Chọn hình dạng lưới kim cương 3×3.

Để chọn màu cho hình dạng, nhấn vào Fill trên thanh tùy chọn:

Nhấn vào Fill.

Thao tác này sẽ mở hộp thoại Fill Type. Đầu tiên, hãy đảm bảo rằng biểu tượng Solid Color ở trên cùng được chọn để chúng ta có thể tô màu cho hình dạng bằng một màu đồng nhất (trái ngược với gradient, pattern hay no color). Sau đó chọn một màu từ lựa chọn các mẫu màu. Bạn nên chọn một màu dễ nhìn trên nền màu trắng. Ở đây mình sẽ chọn màu đỏ sẫm bằng cách nhấp vào mẫu của nó. Khi đã chọn được màu, hãy nhấn Enter (Win) / Return (Mac) trên bàn phím để đóng các mẫu màu:

Chọn màu đỏ sẫm.

Để vẽ hình dạng, hãy nhấp vào giữa tài liệu, sau đó giữ nút chuột và bắt đầu kéo ra khỏi vị trí đã nhấp vào. Khi bắt đầu kéo, hãy nhấn giữ phím Shift+Alt (Win) / Shift+Option (Mac) sau đó tiếp tục kéo. Việc giữ phím Shift sẽ giúp khóa hình dạng và tỷ lệ co ban đầu khi đang vẽ, trong khi đó phím Alt (Win) / Option (Mac) cho phép người dùng vẽ hình dạng từ tâm của nó thay vì từ một góc nào đó, điều này giúp chúng ta dễ dạng dễ dàng căn giữa hình dạng trong tài liệu hơn.

Khi kéo hình dạng ra, bạn sẽ chỉ thấy một đường viền mỏng cho biết hình dạng sẽ trông như nào. Đừng làm cho hình dạng quá lớn vì chúng ta sẽ cần đến không gian xung quanh để định hình lại và thay đổi kích thước của nó:

Kéo hình dạng từ tâm của tài liệu.

Khi đã hài lòng với kích thước của hình dạng, hãy thả nút chuột sau đó nhả phím Shift và Alt (Win) / Option (Mac). Hãy chắc chắn rằng bạn thực hiện theo đúng thứ tự này, nếu không kết quả nhận được sẽ không hề như mong đợi. PTS sẽ lấp đầy hình dạng bằng màu mà bạn đã chọn, và giờ đây chúng ta có đối tượng có thể thực hiện việc biến đổi:

PTS tô màu cho hình dạng sau khi bạn thả nút chuột.

Nhìn vào bảng điều khiển Layers, chúng ta có thể thấy rằng PTS đã đặt hình dạng này lên một layer riêng với tên gọi “Shape 1” nằm ngay trên layer Background. Có thể nói rằng đó là layer Hình Dạng chứ không phải là một layer pixel bình thường bởi hiểu tượng hình dạng nho nhỏ ở phía dưới bên phải của hình thu nhỏ xem trước:

Layer Shape hiển thị trên bảng điều khiển Layers.

Free Transform, Free Transform Path Và Free Transform Points

Trước đó, mình đã đề cập rằng lệnh Free Transform có những tên gọi khác nhau tùy thuộc vào loại đối tượng được chọn. Tuy nhiên, bất kể nó được gọi là gì thì người dùng sẽ luôn thấy nó được liệt kê trong menu Edit ở đầu màn hình. Bởi vì mình đã vẽ một hình dạng Vector nên khi đi tới menu Edit và tìm Free Transform thì sẽ thấy tên hiện tại của nó là Free Transform Path. Đó là bởi vì trong PTS, một hình dạng Vector thực sự chỉ là một đường dẫn (đường viền mỏng của hình dạng) được tô màu. Vì hình dạng Vector nằm ngoài phạm vi của hướng dẫn này nên mình sẽ không nói quá chi tiết về nó ở đây. Mọi người chỉ cần lưu ý rằng bất cứ khi nào làm việc với hình dạng Vector thì lệnh Free Transfrom sẽ xuất hiện trong menu Edit với tên gọi Free Transform Path:

Khi chuyển đổi hình dạng Vector, lệnh Free Transform có tên gọi là Free Transform Path.

Mình sẽ không chọn lệnh Free Transform Path. Thay vào đó, hãy xem thử điều gì sẽ xảy ra nếu như mình chỉ chọn một phần của hình dạng thay vì chọn toàn bộ. Để chọn một phần của hình dạng chúng ta cần dùng đến Direct Selection Tool (hay còn được gọi là công cụ mũi tên trắng).

Theo mặc định, công cụ này được lồng sau Selection Tool (công cụ mũi tên đen) trên Toolbar. Để truy cập nó, mình sẽ nhấp chuột phải (Win) / Control nhấp chuột (Mac) lên Path Selection Tool rồi chọn Direct Selection Tool trong menu ẩn:

Chọn Direct Selection Tool.

Sự khác biệt giữa hai công cụ này tương tự như tên gọi của nó, Path Selection Tool chọn toàn bộ các đường dẫn trong khi Direct Selection Tool chỉ lựa chọn các điểm riêng lẻ dọc theo đường dẫn (điểm riêng lẻ là những hình vuông nhỏ bạn có thể nhìn thấy xung quanh các hình kim cương). Một lần nữa, chúng ta sẽ không đi quá sâu vào vấn đề này cũng như cách thức hoạt động của các đường dẫn. Mình sẽ nhấp và kéo bằng Direct Selection Tool xung quanh một hình thoi trong hình:

Kéo vùng chọn xung quanh một phần của hình dạng bằng Direct Selection Tool.

Chỉ với một phần của hình dạng được chọn, bây giờ nếu mình tìm kiếm lệnh Free Transform trong menu Edit thì hiện tại nó sẽ có tên gọi là Free Transform Points. Cùng một lệnh nhưng nó lại có hai tên gọi khác nhau tùy thuộc vào những gì mà người dùng lựa chọn:

Nếu chỉ chọn một phần, thì lệnh Free Transform trong menu Edit sẽ có tên gọi là Free Transform Points.

Cuối cùng, hãy xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chuyển đổi hình dạng Vector thành hình dạng pixel. Thay vì thay đổi tùy chọn Tool Mode trên thanh tùy chọn sang Shape to Pixels và vẽ lại hình dạng từ đầu thì mình chỉ cần đi tới menu Layer trên đầu màn hình rồi chọn Rasterize sau đó chọn Shape:

Layer > Rasterize > Shape.

Thuật ngữ rasterize shape có nghĩa là “chuyển đổi hình dạng thành pixel”. Nó vẫn giữ nguyên hình dạng tương tự trong tài liệu, tuy nhiên khi nhìn vào bảng điều khiển Layers, chúng ta sẽ không còn thấy biểu tượng hình dạng nho nhỏ ở phía dưới bên phải của hình thu nhỏ xem trước của layer này nữa. Có nghĩa là hình dạng hiện tại của chúng ta bây giờ không còn là hình dạng Vector nữa mà giờ nó được tạo thành từ các pixel:

Hình dạng giờ đây được tạo nên từ các pixel.

Nếu quay trở lại menu Edit, có thể thấy rằng vì hiện tại mình đang làm việc với một đối tượng dựa trên pixel nên lệnh Free Transform ở đây được đặt tên hết sức đơn giản: Free Transform. Nói chung đừng để những tên gọi khác nhau này đánh lừa bạn. Dù cho nó có tên gọi là gì đi nữa thì đều là một lệnh và cách hoạt động giống hệt nhau:

Khi đổi sang hình dạng pixel, lệnh Free Transform vẫn giữ nguyên tên gọi là Free Transform.

Mở Rộng Một Đối Tượng

Hãy cùng xem Free Transform thực sự hoạt động như nào nhé. Mình sẽ chọn nó bằng cách nhấn vào menu Edit rồi chọn Free Transform hoặc dùng phím tắt Ctrl+T (Win) / Command+T (Mac). Phím tắt này hoàn toàn khả dụng dù bạn đang chọn Free Transform, Free Transform Path hay Free Transform Points. Ngay cả khi bạn không phải là người thích sử dụng các phím tắt thì mình vẫn khuyên bạn vẫn nên có một số ngoại lệ trong trường hợp này, vì rất có thể bạn sẽ sử dụng lệnh Free Transform rất nhiều trong công việc PTS.

Ngay sau khi chọn Free Transform, bạn sẽ thấy có một khung xuất hiện xung quanh đối tượng. Đây chính là khung Free Transform. Lưu ý khung này sẽ bao gồm một loạt các hình vuông xung quanh nó. Lần lượt ở cạnh trên cùng, dưới cùng, bên trái, bên phải và bốn góc. Các ô vuông này được gọi là các chốt điều khiển chuyển đổi hay gọi tắt là chốt điều khiển và chúng ta sử dụng chúng để thay đổi kích thước cũng như định hình lại bất cứ thứ gì trong hộp:

Các chốt điều khiển xung quanh khung Free Transform.

Theo mặc định, Free Transform cho phép người dùng di chuyển, chia tỷ lệ và xoay các đối tượng. Để điều chỉnh chiều rộng của một đối tượng mà không ảnh hưởng tới chiều cao, hãy nhấp vào tay cầm bên trái hoặc bên phải, giữ nút chuột rồi kéo tay cầm thao chiều ngang. Nếu nhấn giữ Alt (Win) / Option (Mac) khi kéo thì bạn sẽ điều chỉnh chiều rộng từ tâm của đối tượng thay vì từ phía đối diện, trong trường hợp này thì cả hai bên sẽ đông thời di chuyển ngược chiều nhau. Ở đây, mình đang kéo tay cầm bên phải ra ngoài. Lưu ý rằng các hình dạng kim cương đang được kéo dài ra:

Kéo tay cầm bên trái hoặc phải để thay đổi kích thước chiều rộng.

Để điều chỉnh chiều cao mà không ảnh hưởng đến chiều rộng, hãy nhấp vào tay cầm trên cùng hoặc dưới cùng, với nút chuột được giữ hãy kéo tay cầm theo chiều dọc. Nhấn giữ Alt (Win) / Option (Mac) khi kéo sẽ giúp theo đổi kích thước chiều cao từ tâm của đối tượng, khiến cho phía đối diện cũng đồng thời di chuyển theo hướng ngược lại. Ở đây, mình đang kéo tay cầm trên cùng lên phía trên và khi kéo, các hình kim cương được kéo dài ra cao hơn:

Kéo tay cầm trên hoặc dưới để thay đổi kích thước chiều cao.

Để thay đổi cả chiều rộng và chiều cao cùng lúc, hãy nhấp và kéo bất kỳ chốt ở một trong bốn góc của đối tượng. Theo mặc định, người dùng có thể kéo các góc điều khiển xung quanh một cách tự do, nhưng điều này có thể dễ dàng dẫn đến hình dạng ban đầu của đối tượng trở nên méo mó. Để khóa tỷ lệ co ban đầu của đối tượng tại chỗ khi kéo, hãy nhấn giữ phím Shift. Nhấn giữ Shift+Alt (Win) / Shift+Option (Mac) khi kéo một chốt điều khiển ở góc sẽ vừa khóa tỷ lệ khung hình vừa thay đổi kích thước chiều rộng và cao từ tâm của đối tượng thay vì từ góc đối diện. Dưới đây, mình đang làm cho hình dạng nhỏ đi bằng cách kéo góc trên cùng bên trái vào trong:

Kéo tay cầm ở góc để thay đổi kích thước chiều rộng và chiều cao cùng lúc.

Lưu Ý Nhanh Về Việc Sử Dụng Phím Bổ Trợ

Điều quan trọng cần lưu ý là bất cứ khi nào sử dụng phím bổ trợ như Shift hay Alt (Win) / Option (Mac) khi kéo một ô điều khiển nào đó, bạn cần phải đảm bảo rằng khi hoàn tất, hãy thả chuột ra trước rồi mới thả giữ các phím bổ trợ. Nghe thì có thể sẽ hơi khó hiểu, nhưng nếu bạn thả các phím bổ trợ trước khi thả chuột thì hiệu ứng sẽ mất và khung Free Transform sẽ đột ngột chuyển về như cũ mà không có các phím bổ trợ. Vì vậy chỉ cần nhớ luôn luôn thả chuột trước khi bỏ giữ các phím bổ trợ, như thế bạn sẽ tránh dược mọi kết quả không mong muốn.

Thay Đổi Chiều Rộng Và Chiều Cao Từ Thanh Tùy Chọn

Thực ra thì bạn cũng không cần phải kéo các chốt điều khiển để thay đổi chiều rộng và chiều cao của đối tượng. Nếu biết chính xác giá trị cần dùng là bao nhiêu, chỉ cần nhập trực tiếp giá trị này vào các trường chiều rộng (W)chiều cao (H) trong thanh tùy chọn. Nhấp vào biểu tượng liên kết giữa các giá trị sẽ khóa tỷ lệ khung hình của đối tượng tại chỗ, như thế khi thay đổi chiều rộng hay chiều cao thì PTS sẽ tự động thay đổi tỷ lệ khác cho bạn. Ở đây mình sẽ nhập giá trị chiều rộng là 150% và bởi vì mình đã chọn biểu tượng liên hết nên PTS cũng đã thay đổi chiều cao thành 150%:

Nhập giá trị chiều rộng và chiều cao trên thanh tùy chọn.

Xoay Đối Tượng

Để xoay đối tượng, hãy di chuyển con trỏ chuột ra ngoài khung Free Transform. Khi thấy con trỏ chuột thay đổi thành mũi tên cong với hai cạnh ta chỉ cần nhấp và kéo để xoay nó. Nhấn giữ phím Shift khi kéo sẽ xoay đổi tượng theo gia số 15° (bạn sẽ thấy nó khớp vào vị trí khi xoay):

Di chuyển chuột ra khỏi khung Free Transform rồi nhấp và kéo để xoay.

Xoay Đối Tượng Từ Thanh Tùy Chọn

Người dùng cũng có thể nhập một giá trị xoa chính xác (tính bằng độ) vào trường Rotation trên thanh tùy chọn. Nó nằm ngay bên phải của trường Chiều Cao (H):

Nhập giá trị vào trường Rotation.

Thay Đổi Điểm Xoay

Nhìn vào giữa khung Free Transform sẽ thấy một biểu tượng mục tiêu nhỏ. Biểu tượng này đại diện cho điểm tham chiếu chuyển đổi hay nói cách khác đó là nơi mà mọi thứ xoay quanh:

Biểu tượng tham chiếu chuyển đổi.

Theo mặc định biểu tượng tham chiếu này nằm ở trung tâm, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Người dùng có thể nhấp vào biểu tượng và kéo nó vào bất cứ nơi nào bạn cần, điểm mới đó sẽ trở thành điểm xoay mới. Thậm chí chúng ta có thể kéo ra bên ngoài khung Free Transform. Nếu kéo biểu tượng gần một trong các chốt điều khiển thì nó sẽ gắn vào chốt điều khiển đó. Ở đây mình đã kéo nó vào tay cầm ở góc dưới bên trái và bây giờ khi mình xoay đối tượng, nó sẽ xoay quanh góc đó:

Với điểm tham chiếu đã di chuyển tới vị trí chốt điều khiển phía dưới bên trái, mọi thứ giờ đây sẽ xoay quanh chốt điều khiển đó.

Công Cụ Định Vị Điểm Tham Chiếu

Người dùng cũng có thể định vị lại điểm tham chiếu bằng cách sử dụng Reference Point Locator trên thanh tùy chọn. Bởi vì nó hơi nhỏ nên mình đã phóng to lên để dễ nhìn hơn. Reference Point Locator có thể trông giống như một biểu tượng thông thường nhưng nó thực sự hữu ích. Chú ý rằng bộ định vị được chia thành một lưới 3×3. Mỗi hình vuông xung quanh đại diện cho một chốt tương ứng trên khung Free Transform. Chỉ cần nhấp vào một hình vuông để có thể di chuyển điểm tham chiếu đến vị trí chốt điều khiển đó. Để di chuyển nó trở lại vị trí trung tâm, hãy nahasp vào hình vuông ở giữa:

Reference Point Locator.

Di Chuyển Đối Tượng

Chúng ta có thể sử dụng lệnh Free Transform để di chuyển đối tượng đã chọn từ vị trí này sang vị trí khác trong tài liệu. Để làm điều đó, ta chỉ cần nhấp vào một nơi bất kỳ trong khung Free Transform (trừ biểu tượng điểm tham chiếu ở trung tâm) và kéo đối tượng di chuyển tự do bằng chuột:

Nhấp và kéo bên trong khung Free Transform để định vị lại đối tượng bên trong tài liệu.

Hoặc chúng ta có thể đặt vị trí mới cho đối tượng bằng cách nhập tọa độ pixel cụ thể vào trường X (vị trí ngang) và Y (vị trí dọc) trong thanh tùy chọn. Lưu ý các giá trị này không dựa trên đối tượng và dựa trên vị trí của điểm tham chiếu của nó. Ví dụ, nếu điểm tham chiếu nằm ở trung tâm đối tượng thì nó sẽ được căn giữa với tọa độ X, Y tại đó. Nếu nó nằm ở góc bên trái, thì tọa độ sẽ chuyển qua vị trí bên trái đó… Nếu mọi thứ có vẻ không được sắp xếp đúng thì hãy kiểm tra Reference Point Locator để chắc chắn rằng điểm tham chiếu ở đúng vị trí.

Nếu nhấn vào biểu tượng tam giác nhỏ giữ X và Y thì thay vì đóng vai trò là tọa độ thực, các giá trị pixel bạn nhập sẽ di chuyển đối tượng trong một khoảng cách cụ thể liên quan đến vị trí hiện tại của đối tượng. Hay nói cách khác, khi nhập ở X giá trị 50 pixel thì đối tượng sẽ dịch chuyển sang phải 50 pixel, trong khi nhập vào Y 100 pixel thì sẽ di chuyển đối tượng xuống phía dưới 100 pixel. Nhập giá trị âm để di chuyển các đối tượng theo hướng ngược lại:

Sử dụng các trường X, Y để di chuyển đối tượng.

Hoàn Tác Hoặc Hủy Bỏ Quá Trình Chuyển Đổi

Trước khi tiếp tục xem xét các cách khác để biến đổi đối tượng, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua về cách hoàn tác cũng như hủy bỏ việc chuyển đổi. PTS cho phép người dùng hoàn tác một bước gần nhất khi làm việc với Free Transform. Bạn có thể nhấn vào menu Edit ở đầu màn hình rồi chọn Undo hoặc nhấn Ctrl+Z (Win) / Command+Z (Mac):

Edit > Undo.

Để hủy bỏ quá trình chuyển đổi và thoát khỏi lệnh Free Transfrom hãy nhấn nút Cancel trên thanh tùy chọn hoặc phím Esc. Thao tác này sẽ đặt đối tượng về hình dạng và kích thước ban đầu:

Nhấn nút Cancel.

Skew

Bên cạnh việc di chuyển, mở rộng và xoay đối tượng, Free Transfrom cũng cho phép chúng ta truy cập nhanh chóng và dễ dàng vào các lệnh biến đổi khác của PTS như Skew, Distort, Perspective và Warp. Để chọn một trong số chúng, ta chỉ cần nhấp chuột phải (Win) / Control nhấp chuột (Mac) vào bất kỳ đâu trong tài liệu rồi chọn cái chúng ta muốn trong menu. Hãy thử bắt đầu với Skew nhé. Mình sẽ nhấn chọn nó, tuy nhiên bạn có thể tạm thời chuyển sang Skew bất cứ lúc nào bằng cách nhấn giữ Shift+Ctrl (Win) / Shift+Command (Mac). Chế độ Skew sẽ được duy trì trong quá trình giữ phím, sau khi nhả phím sẽ thoát khỏi chế độ Skew:

Chọn Skew.

Sau khi chọn Skew, nếu bạn di chuyển con trỏ chuột qua bất kì chốt điều khiển nào (trên, dưới, trái hoặc phải) thì bạn sẽ thấy con trỏ chuột thay đổi thành hình mũi tên màu trắng với tên hai mặt. Nhấp vào chốt điều khiển trên hoặc dưới cùng và kéo sang trái hoặc phải sẽ làm lệch đối tượng theo chiều ngang. Nhấn giữ Alt (Win) / Option (Mac) trong khi kéo để kéo nghiêng đối tượng từ tâm của nó:

Kéo đối tượng theo chiều ngang bằng cách kéo tay cầm phía trên sang phải.

Nhấp vào chốt điều khiển phía bên trái hoặc phải rồi kéo lên hoặc xuống để kéo nghiêng đối tượng theo chiều dọc. Nhấn giữ Alt (Win) / Option (Mac) để kéo nghiêng đối tượng từ tâm của nó:

Kéo đối tượng theo chiều dọc bằng cách kéo chốt bên phải lên trên.

Nếu nhấp và kéo một chốt điều khiển ở góc khi đang trong chế độ Skew, chúng ta sẽ chia lại tỷ lệ hai đường thẳng giao nhau tại góc đó. Nhấn giữ Alt (Win) / Option (Mac) trong khi đồng thời di chuyển góc chéo đối diện theo hướng ngược lại:

Kéo một chốt điều khiển ở góc sẽ chia lại tỷ lệ hai đường thẳng giao nhau tại góc đó.

Bạn cũng có thể nhập các giá trị cụ thể (tính bằng độ) vào các trường H (ngang) và V (dọc) trên thanh tùy chọn. Gía trị có thể dương hoặc âm tùy thuộc vào hướng nghiêng:

Trường H và V trên thanh tùy chọn.

Distort

Tiếp theo hãy xem thử Distort. Nhấp chuột phải (Win) / Control nhấp chuột (Mac) bên trong tài liệu để chọn Distort từ menu. Hoặc tạm thời chuyển sang chế độ Distort bằng cách nhấn Ctrl (Win) / Command (Mac). Chế độ Distort sẽ được duy trì khi giữ chuột. Sau khi thả chuột sẽ ngay lập tức thoát khỏi chế độ này:

Chọn Distort trong menu.

Trong chế độ này, chúng ta hoàn toàn có quyền di chuyển tự do. Chỉ cần nhấp vào bất kỳ chốt điều khiển nào và kéo nó xung quanh theo hướng bất kỳ để định hình lại đối tượng. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ mất tỷ lệ khung hình ban đầu, đó là lý do tại sao nó được gọi là Distort. Nhấn giữ Alt (Win) / Option (Mac) để làm biến dạng từ tâm của đối tượng:

Trong chế độ Distort thì có thể thoải mái kéo tay cầm theo bất kỳ hướng này.

Kéo một tay cầm (trên, dưới, trái hoặc phải) khi ở chế độ Distort cũng sẽ cho kết quả tuowg tự Skew ở điểm nó làm lệch đối tượng theo hướng bạn đang kéo. Nhưng vì ta hoàn toàn có quyền tự do di chuyển khi ở chế độ Distort nên ta có thể thay đổi tỷ lệ đối tượng cùng lúc. Ở đây mình đang kéo chốt điều khiển trên cùng để nghiêng đối tượng về bên phải và hạ thấp chiều cao của nó:

Kéo chốt điều khiển trên cùng để kéo nghiêng và thay đổi tỷ lệ đối tượng.

Perspective

Tiếp theo chúng ta sẽ xem lệnh Perspective. Nhấp chuột phải (Win) / Control nhấp chuột (Mac) bên trong tài liệu, sau đó chọn Perspective. Để tạm thời chuyển sang chế độ Perspective ta nhấn giữ phím Shift+Ctrl+Alt (Win) / Shift+Command+Option (Mac):

Chọn Perspective.

Trong chế độ này, việc kéo chốt điều khiển ở góc theo chiều ngang hoặc dọc sẽ làm cho tay cầm ở góc đối diện đồng thời di chuyển theo hướng ngược lại, tạo ra hiệu ứng 3D giả. Ở đây mình đang kéo góc trên cùng bên trái vào trong, về phía bên phải. Khi mình kéo, góc trên cùng bên phải sẽ di chuyển vào trong về phía bên trái:

Kéo chốt điều khiển góc vào trong làm cho phía đối diện cũng đồng thời di chuyển vào trong.

Sau đó, với chế độ Perspective vẫn hoạt động, mình sẽ kéo góc dưới cùng bên trái sang bên trái. Thao tác này sẽ khiến cho góc dưới cùng bên phải di chuyển sang bên phải. Người dùng có thể làm điều tương tự theo chiều dọc bằng cách kéo các chốt góc lên hoặc xuống:

Kéo một chốt điều khiển ở góc ra ngoài làm cho góc đối diện cũng di chuyển ra ngoài.

Warp

Cho đến nay, chúng ta đã học được cách di chuyển, chia tỷ lệ và xoay một đối tượng bằng Free Transform và ta đã thấy được cách dễ dàng chuyển đổi giữa các lệnh khác như Skew, Distort hay Perspective khi cần. Nhưng chế độ cung cấp cho người dùng nhiều quyền lực cũng như khả năng kiếm soát nhất khi định hình một đối tượng lại là Warp. Trên thực tế, Warp là một phiên bản nâng cao của Free Transform, nhưng nó dễ sử dụng hơn. Hãy cùng xem nó hoạt động như nào nhé!

Có hai cách để chọn Warp. Một là nhấp chuột phải (Win) / Control nhấp chuột (Mac) bên trong tài liệu và chọn Warp từ menu:

Chọn Warp.

Một cách khác là nhấn vào nút Warp trên thanh tùy chọn. Nút này đóng vai trò là nút chuyển đổi giữa chế độ Free Transform và chế độ Warp, vì vậy nếu nhân thêm nút này một lần nữa sẽ đưa chúng ta trở lại làm việc với Free Transform:

Nhấn vào nút chuyển đổi Warp/Free Transform.

Với chế độ Warp đang được kích hoạt, điều đầu tiên có thể nhận thấy là khung Free Transform xung quanh đối tượng được thay thế bằng lưới 3×3. Quan sát kỹ hơn có thể thấy các chốt điều khiển ở trên, dưới, trái và phải không còn nữa, chỉ còn lại chốt ở bốn góc:

Chỉ còn lại chốt ở bốn góc.

Để định hình lại hoặc làm cong (warp) đối tượng hãy bắt đầu bằng cách nhấp và kéo bất kỳ chốt ở góc nào. Tương tự như chế độ Distort, Warp cũng cho phép người dùng tự do di chuyển đối tượng, cho phép chúng ta kéo các chốt xung quanh một cách tự do. Khi kéo các chốt, bạn sẽ thấy rằng lưới 3×3 kia cũng sẽ tự định hình lại theo đối tượng bên trong nó:

Việc kéo cả chốt điều khiển ở góc sẽ định hình lại cả đối tượng và lưới.

Bạn có nhìn thấy những đường có chấm tròn nhỏ ở cuối kéo dài ra từ các góc không? Đó chính là các chốt điều hướng và mỗi góc đều có hai chốt này. Bạn có thể định hình lại đối tượng và lưới bằng cách nhấp vào các đầu tròn của các chốt điều hướng và kéo chúng xung quanh. Điều này sẽ thêm nhiều hoặc ít độ cong tùy thuộc vào hướng mà bạn kéo. Để điều chỉnh độ dài của một chốt điều hướng (và độ dài của đường cong) hãy kéo nó và trong hoặc ra ngoài từ góc của nó:

Kéo các chốt điều hướng để tạo thêm độ cong cho hình dạng.

Nếu các chốt điều khiển góc và chốt điều hướng không đủ, chúng ta có thể tinh chỉnh mọi thứ thêm bằng cách nhấp và kéo bất kỳ vị trí nào bên trong lưới để định hình lại. Ở đây mình đã nhấp vào hình thoi ở trung tâm của hình dạng và kéo nó về phía trên bên trái, điều này làm tăng thêm độ tròn ở phần giữa:

Nhấp vào bất cứ đâu bên trong lưới rồi di chuyển nó.

Warp Style

Một tính năng khác của chế độ Warp đó là nó bao gồm một số style preset (cài đặt kiểu trước) và nó có sẵn trong menu Warp Style trên thanh tùy chọn. Những kiểu này sẽ ngay lập tức biến đối tượng trở thành hình dạng cài đặt sẵn có. Chúng thường được áp dụng cho văn bản, tuy nhiên vẫn có thể áp dụng cho bất kỳ loại đối tượng hay vùng chọn nào.

Theo mặc định Warp Style luôn được đặt là Custom, nó cho phép người dùng tự do định hình theo ý muốn:

Tùy chọn Warp Style.

Nhấn vào Custom để mở danh sách những kiểu khác có thể lựa chọn sau đó chọn kiểu mà bạn muốn. Mình sẽ chọn cái đầu tiên – Arc:

Chọn Arc.

Điều này ngay lập tức biến đối tượng trở thành hình vòng cung:

Kiểu Arc.

Lưu ý, bây giờ chúng ta chỉ còn đúng một chốt điều khiển. Với kiểu Arc được chọn, chốt điều khiển sẽ xuất hiện ở têm trên cùng của lưới, tùy nhiên nó có thể xuất hiện ở một vị trí khác tùy thuộc vào kiểu mà bạn chọn. Chốt duy nhất này sẽ kiểm soát lượng uốn cong trong hình dạng. Mình sẽ nhấp vào chốt này và kéo nó xuống dưới. Thao tác này sẽ làm giảm độ cong và ngược lại kéo chốt lên trên sẽ làm tăng độ cong của nó:

Kéo chốt điều khiển để điều chỉnh độ cong.

Chúng ta cũng có thể nhập một giá trị uốn cong cụ thể (tính theo giá trị phần trăm) vào trường Bend trên thanh tùy chọn:

Tùy chọn Bend.

Để hoán đổi hướng từ ngang sang dọc và ngược lại, chỉ cần nhấp trực tiếp vào nút Warp Style Orientation nằm ngay bên trái tùy chọn Bend:

Nút Warp Style Orientation.

Ngoài ra ta còn có thể kiểm soát độ biến dạng ngang và dọc một cách độc lập với nhau bằng cách nhập các giá trị (tính theo giá trị phần trăm) vào các trường H (méo ngang) và V (méo dọc) trên thanh tùy chọn:

Các tùy chọn biến dạng H và V.

Để có thêm quyền kiểm soát sau khi áp dụng các kiểu Warp, hãy thay đổi tùy chọn Warp Style trở về Custom:

Đổi trở về Custom.

Điều này sẽ đưa bốn chốt điều khiển ở góc và tay cầm định hướng của chúng trở về như cũ, cho phép người dùng hoàn toàn có thể tùy chỉnh theo ý muốn:

Chốt điều khiển và chốt điều hướng xuất hiện lại như lúc trước.

Các Tùy Chọn Chuyển Đổi Khác

Ngoài Skew, Distort, Perspective và Warp thì lệnh Free Transform còn cho phép người dùng truy cập vào các tùy chọn chuyển đổi tiêu chuẩn hơn như là Rotate 180° Rotate 90°, Clockwise hay là Counter Clockwise. Chúng ta sẽ tìm thấy các tùy chọn này ở cuối menu khi nhấp chuột phải (Win) / Control nhấp chuột (Mac) bên trong tài liệu:

Các tùy chọn Rotate và Flip.

Xác Nhận Hoặc Hủy Bỏ Sự Chuyển Đổi

Sau khi hoàn tất việc chuyển đổi đối tượng và sẵn sàng thực hiện các thay đổi của mình, chúng ta có thể nhấp vào dấu tích xác nhận trên thanh tùy chọn hoặc nhấn phím Enter (Win) / Return (Mac). Còn nếu không muốn giữ lại các thay đổi đã tạo ra thì chỉ cần nhấn nút Cancel trên thanh tùy chọn hoặc nhấn phím Esc. Thao tác này sẽ giúp bạn thoát khỏi lệnh Free Transform và đưa đối tượng về lại hình dạng, kích thước bạn đầu:

Xác nhận hoặc hủy bỏ chuyển đổi.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây