HƯỚNG DẪN GHÉP NHIỀU ẢNH VỚI HÌNH DẠNG CONG TRONG PHOTOSHOP

0
53

GHÉP NHỮNG BỨC ẢNH VỚI HÌNH DẠNG CONG TRONG PHOTOSHOP

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách tạo ảnh ghép “biế dạng”. Biến dạng ở đây không phải là cong một cách xoắn xuýt tít mù (trừ khi đó là những gì bạn muốn sử dụng) mà biến dạng ở đây là những bức ảnh mà ta sẽ uốn, bóp méo đi một chút và định hình lại bằng Warp Tool.

Lưu ý một chút, Warp Tool (không phải Text Warp) chỉ xuất hiện kể từ Photoshop CS2, có nghĩa là bạn sẽ cần sử dụng phiên bản Photoshop CS2 trở về đây để làm theo các bước mình hướng dẫn. Có nhiều cách phức tạp và tốn thời gian hơn để tạo hiệu ứng tương tự trong các phiên bản PTS cũ, nhưng Warp Tool giúp chúng ta thực hiện mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều và cách sử dụng nó cũng đem lại cho người sự thích thú.

Đối với bài hướng dẫn này thì mình sẽ sử dụng ba ảnh để tạo nên ảnh ghép, cộng với một ảnh làm nền. Tổng cộng là bốn ảnh. Tất nhiên là mọi người muốn sử dụng bao nhiêu ảnh cũng được (cái này không bắt buộc). Mình sẽ thử làm với chủ đề Halloween vì mình đang khá thích nó, mọi người có thể chọn một chủ đề nào đó tùy theo ý thích nhé.

Đây là hình ảnh với hiệu ứng mà mình muốn hướng tới:

Hiệu ứng ghép ảnh với hình dạng cong.

Bước 1: Mở Hình Ảnh Đầu Tiên Muốn Thêm Vào Hình Ghép

Mở hình ảnh đầu tiên mà bạn muốn thêm vào ảnh ghép trong PTS. Chúng ta sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để hoàn thành công việc trên ảnh đầu tiên này và sau đó chỉ cần lặp lại các bước tương tự với những ảnh sau mà bạn muốn thêm vào ảnh ghép.

Mình sẽ sử dụng hình ảnh đầu tiên là hình này:

Mở hình ảnh đầu tiên.

Bước 2: Đổi Tên Layer Background

Với bức ảnh được mở trong PTS, nhìn vào bảng điều khiển Layers chúng ta sẽ thấy hiện nó đang nằm trên layer Background:

Bảng điều khiển Layers hiển thị hình ảnh đang nằm trên layer Background.

Chúng ta cần thêm một layer trống mới ngay bên dưới layer Background. Tuy nhiên thì PTS không cho phép layer nào nằm dưới layer Background hết. Có những thứ ta có thể làm với các layer khác nhưng lại không thể thực hiện được với layer Background. Một trong những điều không thể làm với layer Background là không thể đặt bất kỳ layer nào bên dưới nó, layer Background luôn luôn phải là layer nằm dưới cùng. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể xử lý vấn đề này bằng cách đổi cho layer Background một cái tên khác ngoài từ “Background”. Hãy nhấn giữ phím Alt (Win) / Option (Mac) rồi nhấp đúp trực tiếp vào từ “Background”. PTS sẽ tự động đổi tên layer thành “Layer 0”:

Đổi tên layer Background.

Bước 3: Thêm Một Layer Trống Mới Bên Dưới “Layer 0”

Bây giờ, layer Background đã không còn tên là “Background” nữa nên chúng ta hoàn toàn có thể thêm layer xuống bên dưới nó. Hãy nhấn giữ Ctrl (Win) / Command (Mac) và nhấp vào biểu tượng New Layer ở phía dưới bảng điều khiển Layers:

Nhấn giữ Ctrl (Win) / Command (Mac) rồi nhấn biểu tượng New Layer.

Thao tác này sẽ thêm một layer trống mới, và theo mặc định PTS sẽ đặt các layer mới ngay phía trên layer đang được chọn trong bảng điều khiển Layers. Tuy nhiên, bằng việc nhấn giữ phím Ctrl / Command khi nhấp vào biểu tượng New Layer thì chúng ta sẽ yêu ầu PTS đặt layer mới ngay bên dưới layer đang được chọn. Nhìn vào bảng điều khiển Layers lúc này, có thể thấy PTS đã thêm layer trống mới có tên “Layer 1” ngay bên dưới “Layer 0”:

Bảng điều khiển Layers hiển thị layer trống mới được thêm vào ngay bên dưới Layer 0.

Bước 4: Thêm Khoảng Trống Canvas Bổ Sung Xung Quanh Hình Ảnh

Vì chúng ta sẽ uốn là làm cong hình ảnh nên cần tạo thêm không gian để làm việc, có nghĩa là cần thêm một chút khoảng trống canvas xung quanh hình ảnh. Hãy đi tới menu Image, chọn Canvas Size. Thao tác này sẽ hiển thị hộp thoại Canvas Size. Đặt giá trị WidthHeight150, đổi giá trị đo thành %. Đảm bảo bỏ chọn Relative và ở lưới Anchor đã chọn hình vuông ở giữa:

Chú ý khu vực khoanh đỏ.

Nhấn OK sau khi hoàn tất và PTS sẽ thêm khoảng trống canvas xung quanh hình ảnh, mang lại nhiều không gian làm việc hơn:

Khoảng trống canvas được thêm vào xung quanh hình ảnh.

Bước 5: Thêm Viền Trắng Vào Hình Ảnh

Nhấn vào “Layer 0” trong bảng điều khiển Layers để chọn layer chứa ảnh gốc. Giờ hãy thêm một đường viền màu trắng xung quanh ảnh. Để làm được điều này, hãy đi tới menu Edit rồi chọn Stroke. Thao tác này sẽ mở ra hộp thoại Stroke. Mình sẽ nhập giá trị 20 pixel cho Width, đây là giá trị phù hợp với hình ảnh của mình, có thể các bạn sẽ cần nhập một giá trị khác. Bởi vì mình đang sử dụng hình ảnh có độ phân giải thấp nên nếu mọi người sử dụng hình ảnh có độ phân giải cao hơn thì cần thử một giá trị cao hơn. Mục tiêu ở đây là thêm một đường viền màu trắng xung quanh hình ảnh, nghĩa là chúng ta cần chọn màu trắng làm màu nét vẽ. Vậy nên hãy nhấp vào mẫu màu ở bên phải từ Color, lúc này PTS sẽ mở ra Color Picker và hãy chọn màu trắng tại đây.

Cuối cùng, đặt Location thành Inside để nét viền sẽ xuất hiện ở bên phía trong của cạnh hình ảnh:

Thêm nét viền trắng vào phía bên trong các cạnh hình ảnh.

Nhấn OK để đóng hộp thoại và ngay lập tức nét viền màu trắng sẽ được thêm vào:

Nét viền màu trắng đã được thêm vào.

Bước 6: Làm Cong Hình Ảnh Bằng Warp Tool

Sự thú vị sẽ bắt đầu từ đây. Chúng ta sẽ uốn cong, làm xoắn hình ảnh bằng Warp Tool. Có một số cách để truy cập công cụ này, một là đi tới menu Edit, chọn Transform sau đó chọn Warp. Hoặc là sử dụng phím Ctrl+T (Win) / Command+T (Mac) để mở lệnh Free Transform sau đó nhấp vào biểu tượng Warp trên thanh tùy chọn:

Nhấn vào biểu tượng Warp trên thanh tùy chọn.

Bạn có thể nhấp lại vào biểu tượng đó bất kỳ lúc nào để chuyển đổi qua lại giữa Warp Tool và Free Transform.

Với Warp Tool đã được chọn, bạn sẽ thấy lưới 3 x 3 xuất hiện trong hình ảnh:

Lưới 3 x 3 xuất hiện trong hình ảnh.

Nếu chưa bao giờ sử dụng Warp Tool thì có lẽ bạn sẽ thấy hơi khó hiểu. Nhưng thực ra chỉ cần thử nó và xem xem nó làm được gì, vì không có điều gì bạn làm sẽ được áp dụng ngay lập tức với hình ảnh (miễn là Warp Tool vẫn đang hoạt động). Ngay lập tức, bạn sẽ thấy công cụ này rất dễ dùng và cực kỳ thú vị. Để làm cong hình ảnh từ bất kỳ góc nào, chỉ cần nhấp vào chốt điều khiển ở góc ấy rồi kéo nó bằng chuột. Mình đang kéo góc trên cùng bên trái ra ngoài:

Nhấp và kéo chốt điều khiển ở góc bất kỳ.

Để tạo cảm giác cuộn tròn ở góc (đây chính là lúc để Warp Tool tỏa sáng), hãy kéo chốt điều khiển ở góc bất kỳ vào phía bên trong. Khi bạn kéo đủ xa thì nhìn sẽ giống như mặt phía sau của hình ảnh đang xuất hiện (nó là hình ảnh phản chiếu của ảnh và trông khá là bắt mắt):

Cuộn góc cực dễ dàng bằng cách kéo chốt điều khiển góc bất kỳ vào trong.

Bạn cũng có thể làm cong hình ảnh bằng cách kéo các chốt điều hướng mở rộng ra từ các góc:

Làm cong hình ảnh bằng cách kéo chốt điều hướng mở rộng ra từ các góc.

Và còn một cách khác để làm cong hình ảnh đó là chỉ cần nhấp vào bất kỳ đâu bên trong hình ảnh và kéo chuột đi xung quanh để làm cong hình ảnh từ vị trí đó:

Nhấp vào một điểm bất kỳ bên trong hình ảnh và kéo chuột đi xung quanh.

Như bạn có thể thấy, Warp Tool cung cấp cho chúng ta nhiều quyền kiểm soát và khá linh hoạt trong việc làm cong và định hình lại hình ảnh. Đối với hiệu ứng mà chúng ta đang tạo thì không có cách nào là đúng hay sai cả. Chúng ta không hề cố tạo ra bất kỳ loại hiệu ứng thực tế nào ở đây. Tất cả những gì mà chúng ta muốn hướng tới là thứ gì đó trông thật thú vị và mới mẻ. Vậy nên hãy thoải mái chơi đùa với hình ảnh. Uốn cong, kéo dài, xoắn và cuộn tròn nó theo ý thích. Điều duy nhất cần tránh là làm cong gương mặt của ai đó nhé, vì trông có lẽ sẽ hơi đáng sợ đấy nên hãy hạn chế hiệu ứng làm cong ở các góc và cạnh của ảnh càng nhiều càng tốt.

Thật không may là với Warp Tool chúng ta không thể hoàn tác. Vì thế nếu như không hài lòng và muốn thử lại thì phải nhấn Esc để hủy hết các thay đổi đồng thời thoát Warp Tool, sau đó mở và làm lại.

Đây là hình ảnh của mình sau khi làm cong và Warp Tool vẫn đang hoạt động:

Hình ảnh sau khi định hình lại bằng Warp Tool và Warp Tool vẫn đang hoạt động.

Sau khi đã cảm thấy hài lòng với các thay đổi, nhấn Enter (Win) / Return (Mac) để PTS áp dụng những thay đổi này vào hình ảnh.

Bước 7: Tạo Bản Sao Layer

Bây giờ chúng ta đã làm cong hình ảnh, chỉ cần tạo bản sao của nó là được. Với “Layer 0” đang được chọn, nhấn phím Ctrl+J (Win) / Command+J (Mac) để tạo bản sao của nó. Nhìn vào bảng điều khiển Layers lúc này, có thể thấy bản sao vừa được tạo đã được PTS đặt tên cho là “Layer 0 copy” và nằm ngay bên trên cùng:

Nhấn Ctrl+J (Win) / Command+J (Mac) để tạo bản sao.

Bước 8: Lấp Đầy Hình Ảnh Gốc Trên Layer 0 Bằng Màu Đen

Nhấp lại vào “Layer 0” trong bảng điều khiển Layers để chọn nó. Sau đó nhấn phím D để đặt lại màu Foreground và Background về mặc định. Người dùng có thể thấy màu Foreground và Background hiện tại ở mẫu màu gần cuối Toolbar:

Mẫu màu Foreground và Background nằm ở gần cuối Toolbar.

Sau đó, với “Layer 0” đang được chọn, nhấn phím tắt Shift+Alt+Backspace (Win) / Shift+Option+Delete (Mac) để lấp đầy hình ảnh bằng màu đen. Bạn sẽ không nhìn thấy điều gì xảy ra bên trong cửa sổ tài liệu do hình ảnh trên layer “Layer 0 Copy” đang chặn nó khỏi chế độ xem, nhưng nếu nhìn hình thu nhỏ của “Layer 0” trong bảng điều khiển Layers thì có thể thấy rằng hình ảnh đã được tô đen hoàn toàn:

Hình thu nhỏ thể hiện hình ảnh đã được tô đen.

Bước 9: Tạo Bóng Đổ Bằng Warp Tool

Chúng ta sẽ lại sử dụng Warp Tool, nhưng lần này là để tạo hiệu ứng bóng đổ cho hình ảnh bằng cách sử dụng khu vực vừa bôi đen. Với “Layer 0” vẫn đang được chọn, hãy truy cập Warp Tool bằng cách nhấn phím tắt Ctrl+T (Win) / Command+T (Mac) để mở lệnh Free Transform sau đó nhấp vào biểu tượng Warp Tool trên thanh tùy chọn. Mình muốn ánh sáng xuất hiện từ phía bên trái, tức là bóng sẽ xuất hiện dọc phía bên phải hình ảnh. Với Warp Tool đang hoạt động, mình sẽ uốn cong và định hình lại khu vực tô đen để nó nhô ra khỏi phía dưới bên phải của hình ảnh. Một lần nữa, chúng ta sẽ không đi theo chủ nghĩa hiện thực tuyệt đối ở đây nên hãy sáng tạo và phóng đại mọi thứ một cách thật thoải mái:

Sử dụng Warp Tool để định hình lại khu vực tô đen biến nó trở thành bóng của hình ảnh.

Nhấn Enter (Win) / Return (Mac) sau khi hoàn tất để xác nhận và áp dụng thay đổi.

Bước 10: Áp Dụng Filter Gaussian Blur

Chúng ta cần làm mờ các cạnh của bóng một chút nên hãy đi tới menu Filter, chọn Blur rồi chọn Gaussian Blur. Khi hộp thoại Gaussian Blur mở ra, mình sẽ nhập giá trị Radius khoảng 6 pixel để làm mờ các cạnh một chút (mọi người hãy chọn giá trị sao cho phù hợp với hình ảnh của mọi người nhé):

Nhập giá trị Radius để làm mờ các cạnh.

Bước 11: Giảm Opacity Của Layer

Chúng ta đã làm cong bóng bằng Warp Tool và làm mở các cạnh, tuy nhiên hiện tại bóng trông có vẻ quá đậm. Để khắc phục điều này hãy đi tới tùy chọn Opacity ở trên cùng bên phải của bảng điều khiển Layers và giảm Opacity xuống khoảng 60%:

Giảm độ mờ của Layer 0 bằng cách giảm giá trị Opacity.

Và đây là hình ảnh của mình sau khi giảm giá trị Opacity:

Bóng bây giờ đã nhạt hơn rất nhiều sau khi giảm Opacity.

Bước 12: Thêm Layer Trống Mới Bên Trên Các Layer Khác

Vậy là xong, nhưng trước khi kết thúc hãy thêm một số điểm sáng và bóng vào ảnh một cách tinh tế để tạo cảm giác như thể nó thực sự uốn và xoắn trong không gian 3D. Để làm được điều này, chúng ta cần thêm một layer trống mới lên phía trên các layer khác. Hãy nhấp vào layer “Layer 0 copy” để chọn nó rồi nhấp vào biểu tượng New Layer ở phía dưới bảng điều khiển Layers để thêm một layer trống mới lên trên cùng trong bảng điều khiển Layers, layer sẽ tự động được đặt tên là “Layer 2”:

Nhấn biểu tượng New Layer để thêm layer trống mới bên trên các layer khác.

Bước 13: Đổi Blend Mode Của Layer Mới Thêm Thành “Hard Light”

Chúng ta cần thay đổi chế độ hòa trộn của layer mới. Hãy đi tới tùy chọn Blend Mode ở trên cùng bên trái bảng điều khiển Layers và đổi từ “Normal” thành “Hard Light”:

Đổi Blend Mode từ “Normal” thành “Hard Light”.

Bước 14: Giảm Opacity Của Layer

Chúng ta sẽ sử dụng layer này để tạo một số điểm sáng và bóng bằng Brush Tool. Tuy nhiên trước khi thực hiện, chúng ta cần giảm độ mờ của layer này xuống một chút. Mình muốn các vùng sáng và bóng tối trông thật tinh tế nên sẽ giảm giá trị Opacity xuống khoảng 20%. Có thể khi hoàn tất bạn sẽ phải giảm hoặc tăng nó lên một chút:

Giảm giá trị Opacity của layer này xuống khoảng 20%.

Bước 15: Load Vùng Chọn Xung Quanh Hình Ảnh

Trước khi bắt đầu vẽ thì hãy đảm bảo rằng chúng ta sẽ vẽ bên trong “các đường kẻ”, vậy nên không thể vẽ lên vùng trong suốt xung quanh hình ảnh. Để làm được điều này, hãy nhấn giữ phím Ctrl (Win) / Command (Mac) và nhấp trực tiếp vào hình thu nhỏ xem trước của “Layer 0 copy” (layer chứa hình ảnh) trong bảng điều khiển Layers:

Giữ Ctrl (Win) / Command (Mac) và nhấp vào hình thu nhỏ của “Layer 0 copy” để load vùng chọn xung quanh ảnh.

Thao tác này sẽ load vùng chọn xung quanh hình ảnh trong cửa sổ tài liệu:

Vùng chọn xung quanh hình ảnh.

Bước 16: Chọn Brush Tool

Chọn Brush Tool từ Toolbar hoặc nhấn phím B:

Chọn Brush Tool.

Bước 17: Tô Đen Để Thêm Bóng Cho Ảnh

Với Brush Tool được chọn và màu Foreground là màu đen, hãy tô lên vài vùng trong ảnh để thêm các bóng mờ tinh tế giúp cho hình ảnh trông giống như 3D. Thay đổi kích thước bút vẽ bằng cách nhấn phím “[” hoặc “]”. Để kiểm soát độ cứng của bàn chải, nhấn giữ phím Shift và nhấn “[” (làm mềm) hoặc “]” (làm cứng) vài lần.

Bạn cũng có thể nhấp chuột phải (Win) / Control (Mac) nhấp chuột ở vị trí bất kỳ bên trong tài liệu để mở ra hộp thoại Brush Tool, đây là nơi có thể điều chỉnh đường kính và độ cứng của bút vẽ bằng các thanh trượt ở trên cùng:

Với Brush Tool đang hoạt động, nhấp chuột phải (Win) / Control (Mac) nhấp chuột ở vị trí bất kỳ bên trong tài liệu để mở ra hộp thoại Brush Tool.

Sau đó, tô lên các phần của hình ảnh đêm thêm một số bóng vào đó. Nhờ vùng chọn mà chúng ta vừa tạo xung quanh hình ảnh, chúng ta sẽ không cần lo lắng về việc vô tình vẽ lệch ra khu vực bên ngoài. Bởi vì khu vực duy nhất chúng ta có thể tô lên là khu vực bên trong vùng chọn.

Nếu mắc lỗi và cảm thấy không hài lòng với cách vừa vẽ thì hãy nhấn Ctrl+Z (Win) / Command+Z (Mac) để hoàn tác bước gần nhất hoặc nhấn phím E để chuyển đổi sang Eraser Tool, xóa phần vẽ sai say đó nhấn B để quay trở lại với Brush Tool. Dưới đây là hình ảnh của mình sau khi tô một số bóng ở góc trên cùng bên trái và bên phải, cũng như cuộn tròn góc dưới bên phải:

Hình ảnh sau khi vẽ thêm một số bóng tinh tế và các góc.

Bước 18: Dùng Màu Trắng Tô Thêm Vài Điểm Nổi Bật Cho Hình Ảnh

Sau khi vẽ xong bóng, nhấn X để hoán đổi màu Foreground và Background để màu Foreground trở thành màu trắng.

Sau đó, tương tự như các bước vừa làm để tạo bóng, bạn chỉ cần cần tô lên một vài khu vực để thêm một số điểm nổi bật, thay đổi kích thước cọ vẽ và độ vứng của cạnh (nếu cần).

Ở đây, mình đang vẽ một vùng màu trắng hết sức tinh tế ở góc dưới cùng bên trái hình ảnh:

Đặt màu Foregroun thành màu trắng và tô lên một vài điểm.

Những điểm nổi bật nhìn không rõ mấy trong hình ảnh của mình tại mình đã vẽ trên một khu vực khá sáng. Tuy nhiên có thể chúng sẽ rất dễ dàng nhận thấy trong hình ảnh của mọi người, ngay cả một điểm sáng tinh tế vẫn tạo thêm hiệu ứng và khiến cho hình ảnh trong không bị phẳng.

Sau khi vẽ xong vùng sáng và tối, hãy nhấn Ctrl+D (Win) / Command+D (Mac) để loại bỏ vùng chọn xung quanh hình ảnh.

Bước 19: Điều Chỉnh Opacity Nếu Cần

Nếu thấy rằng các vùng tối và vùng sáng chưa vừa ý thì hãy quay lại tùy chọn Opacity và tăng giảm giá trị này cho tới khi nào cảm thấy phù hợp. Bạn không cần tăng/giảm giá trị Opacity quá nhiều vì một thay đổi nhỏ thôi cũng mang lại tác động lớn đến layer được đặt ở chế độ Hard Light. Mình sẽ chỉnh Opacity lên 22%:

Tinh chỉnh cường độ vùng tối và sáng bằng việc tăng giảm giá trị Opacity.

Và đây là hình ảnh của mình với vùng tối và sáng đã được thêm vào:

Hình ảnh sau khi thêm vùng tối và vùng sáng.

Bước 20: Nhóm Ba Layer Lại Với Nhau

Chúng ta đã hoàn thành công việc trên bức ảnh đầu tiên. Những gì cần làm bây giờ là thêm nó vào tài liệu ảnh ghép (lát nữa chúng ta sẽ mở ra). Ngay bây giờ, hình ảnh đang được tại ra từ ba layer riêng biệt gồm hình ảnh chính trên “Layer 0 copy”, bóng của nó trên “Layer 0” và các vùng sáng vùng tối trên “Layer 2”. Thay vì kéo ba layer riêng biệt vào tài liệu ảnh ghép, hãy khiến công việc trở nên dễ dàng hơn bằng cách nhóm các layer lại với nhau để cả ba layer được đặt trong một “thư mục” trong bảng điều khiển Layers. Bằng cách đó, chúng ta chỉ cần kéo “thư mục” vài tài liệu ảnh ghép thay vì phải kéo lần lượt ba layer riêng biệt. Điều này cũng giúp cho việc sắp xếp dễ dàng hơn khi thêm các ảnh bổ sung vào đó.

Để tạo nhóm layer, với “Layer 2” đang được chọn, nhấn giữ phím Shift và nhấp vào “Layer 0”. Thao tác này sẽ chọn cả “Layer 0” và “Layer 0 copy” cùng với “Layer 2”. Cả ba layer sẽ được chọn cùng lúc:

Chọn cả ba layer cùng lúc.

Với cả ba layer đã được chọn, đi tới menu Layers trên đầu màn hình, chọn Group Layers hoặc nhấn phím tắt Ctrl+G (Win) / Command+G (Mac). PTS sẽ thêm cả ba layer này vào một nhóm mới. Nhìn vào bảng điều khiển Layers, dường như ba layer đã biến mất và thay vào đó là biểu tượng thư mục với tên gọi “Group 1”. Nhấp đúp trực tiếp vào chữ “Group 1” và đổi cho nó một cái tên mang tính mô tả hơn, mình sẽ đặt là “Photo 1”:

Ba layer hiện đã được thêm vào một nhóm.

Nếu nhìn kĩ, bạn sẽ thấy một hình tam giác nhỏ hướng sang bên phải ở bên trái biểu tượng thư mục. Nhấn vào nó để mở thư mục và bạn sẽ thấy ba layer hiện đang nằm trong đây:

Nhấn mở thư mục.

Nhấn vào hình tam giác một lần nữa để đóng thư mục lại.

Bước 21: Mở Hình Ảnh Sử Dụng Làm Nền Của Bức Ảnh Ghép

Công việc trên bức ảnh đầu tiên đã xong và chúng ta đã nhóm ba layer tạo nên hình ảnh vào một nhóm layer rồi.

Tất cả những gì cần làm bây giờ là kéo nhóm layer này vào một tài liệu ảnh ghép. Vậy nên hãy mở hình ảnh mà bạn muốn sử dụng làm nền ra.

Mình sẽ sử dụng hình ảnh dưới đây làm nền:

Mở hình ảnh muốn sử dụng làm nền.

Bước 22: Kéo Nhóm Layer Vào Ảnh Ghép Chính

Với cả hai hình ảnh đang được mở trong các cửa sổ tài liệu riêng trên màn hình, hãy nhấp vào bất kỳ đâu bên trong tài liệu chứa hình ảnh thứ nhất để chọn nó, sau đó nhấp vào nhóm layer bên trong bảng điều khiển Layers và kéo nó vào tài liệu chứa ảnh nền đang mở kia:

Kéo nhóm layer sang cửa sổ tài liệu chứa ảnh nền.

Bạn sẽ thấy hình ảnh xuất hiện phía trước ảnh nền trong tài liệu mới, và nếu nhìn vào bảng điều khiển Layers thì sẽ thấy nhóm layer đã được sao chép sang đây và hiện đang nằm phía bên trên layer Background:

Bảng điều khiển Layers hiển thị nhóm layer nằm ngay bên trên layer Background.

Bước 23: Thay Đổi Kích Thước Và Định Vị Lại Hình Ảnh Bằng Free Transform

Giờ đây, bức ảnh đầu tiên đang nằm ngay phía trước nền bên trong tài liệu mà chúng ta sẽ sử dụng làm ảnh ghép, mọi người có thể di chuyển và thay đổi kích thước hình ảnh nếu muốn. Để làm điều đó, hãy nhấn Ctrl+T (Win) / Command+T (Mac) để mở lệnh Free Transform. Nhấn vào vị trí bất kỳ bên trong ảnh (ngoại trừ biểu tượng mục tiêu nhỏ ở giữa) rồi kéo chuột để thay đổi vị trí hình ảnh. Nhấn Shift sau đó kéo một chốt điều khiển ở góc bất kỳ để tăng/giảm kích thước hình ảnh, việc nhấn phím Shift sẽ khóa tỷ lệ chiều cao và chiều rộng của hình ảnh, giúp duy trì hình dạng ban đầu. Để thay đổi kích thước hình ảnh từ tâm vủa nó, nhấn phím Alt (Win) / Option (Mac) khi kéo (nhấn giữ đồng thời phím Shift nếu muốn khóa tỷ lệ và thay đổi kích thước từ tâm cùng lúc). Bạn cũng có thể xoay hình ảnh bằng cách duy chuyển chuột ra bên ngoài khung Free Transform, nhấp và kéo.

Đây là hình ảnh sau khi mình di chuyển vị trí vào giữa và thay đổi kích thước hình ảnh bằng cách kéo chốt điều khiển ở góc dưới vào trong:

Di chuyển và thay đổi kích thước hình ảnh bằng lệnh Free Transform.

Nhấn Enter (Win) / Return (Mac) để xác nhận thay đổi.

Bước 24: Lặp Lại Các Bước Tương Tự Để Thêm Các Ảnh Khác Vào Ảnh Ghép

Bằng cách đó, bức ảnh đầu tiên đã được tạo hình thành công và thêm vào ảnh ghép tổng thể. Để thêm nhiều ảnh hơn (sẽ không thể tạo ra bức ảnh ghép nếu chúng ta không thêm nhiều ảnh hơn vào) chỉ cần lặp lại các bước tương tự cho từng ảnh, uốn cong từng khác theo cách khác nhau để tạo sự đa dạng. Đến phần thêm các layer vào thành một nhóm layer thì hãy đặt tên cho các nhóm mới theo thứ tự (ví dụ “Photo 2”, “Photo 3”, “Photo 4” …). Sau đó kéo chúng vào tài liệu ảnh ghép chính, di chuyển và thay đổi kích thước nếu cần bằng lệnh Free Transform.

Mình đã thêm hai ảnh nữa vào ảnh ghép chính và nhìn vào bảng điều khiển Layers, có thể thấy rằng hiện mình có ba nhóm layer bao gồm “Photo 1”, “Photo 2” và “Photo 3”, layer Background chứa hình ảnh được sử dụng làm nền của bức ảnh ghép:

Bảng điều khiển Layers hiển thị ba nhosml layer được thêm vào tài liệu cùng với layer Background chứa hình ảnh nền.

Nếu muốn di chuyển một ảnh lên trên ảnh khác trong ảnh ghép thì chỉ cần nhấp vào nhóm layer của nó trong bảng điều khiển Layers và kéo nó lên trên nhóm khác để thay đổi thứ tự. Các layer và nhóm layer nằm bên trên trong bảng điều khiển Layers thì sẽ xuất hiện trước (nằm đè lên) các layer và nhóm layer nằm dưới chúng.

Và đây là thành quả của mình với hiệu ứng ghép những bức ảnh với hình dạng cong:

Kết quả cuối cùng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây