Tìm Hiểu Về Layer Background Trong Photoshop

0
635

LAYER BACKGROUND TRONG PHOTOSHOP

Tìm hiểu về layer background trong PTS, lý do vì sao nó trở nên đặc biệt, những hạn chế và cách dễ dàng để khắc phục.

Ở những bài trước chúng ta đã tìm hiểu kiến thức cơ bản về layer như layer là gì, vì sao nó lại quan trọng. Đồng thời chúng ta cũng đã học được những kỹ năng cần thiết để làm việc với các layer trong bảng điều khiển Layer của PTS.

Tuy nhiên trước khi đi sâu vào tìm hiểu những điều tuyệt vời mà người dùng có thể làm với layer, hãy xem xét một loại layer đặc biệt. Đó là layer Background. Lý do vì sao cần tìm hiểu riêng về nó ư? Bởi vì có một số thứ người dùng có thể làm với tất cả các layer trừ layer Background. Nếu như không tìm hiểu trước thì rất có thể chúng ta sẽ bị nhầm lẫn và biết đâu sẽ cảm thấy có chút thất vọng.

Bài viết này dành riêng cho Photoshop CC vì Adobe đã có một số thay đổi và nó không áp dụng cho các phiên bản trước đó nữa. Nếu bạn sử dụng Photoshop CS6 hay phiên bản cũ hơn thì bài viết này không dành cho bạn thay vào đó hãy tham khảo bài viết Photoshop Layer – Layer Bacground.

Trước tiên hãy mở ảnh trong PTS:

Mở một bức ảnh có hình khung ảnh. (Nguồn: Adobe Stock)

Bất cứ khi nào mở ảnh mới trong PTS, hình ảnh được mở ra được coi như là một tài liệu của chính nó và PTS sẽ đặt hình ảnh này làm layer Background:

Bảng điều khiển hiển thị hình ảnh đang nằm trên layer Background.

PTS đặt tên cho nó là Background bởi vì nó sẽ dùng làm nền cho tài liệu. Bất kì layer nào được bổ sung thêm vào tài liệu cũng sẽ xuất hiện phía trên layer Background. Vì mục đính chính của nó là làm nền nên có một số thứ PTS sẽ không cho phép người dùng thực hiện với nó. Hãy cùng xem qua một số quy tắc đơn giản cần nhớ nhé. Sau đó chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách dễ dàng để giải quyết chúng.

Điều Thứ 1: Không Thể Di Chuyển Nội Dung Của Layer Background

Một trong những điều người dùng không thể làm với layer Background đó là di chuyển nội dung của nó. Thông thường để di chuyển nội dung của một layer chúng ta chỉ cần sử dụng Move Tool:

Chọn Move Tool.

Chỉ cần nhấp vào trong tài liệu và kéo nội dung đi xung quanh. Tuy nhiên hãy thử làm vậy đối với layer Background xem điều gì xảy ra nào? Ở ví dụ bên dưới mình đang cố gắng kéo nó về phía trên bên phải của tài liệu:

Thử di chuyển layer Background bằng Move Tool.

Thay vì di chuyển layer, PTS đã mở ra một hộp thoại thông báo việc dịch chuyển không thể thực hiện vì layer bị khóa. Nhấp vào OK để đóng hộp thoại:

Không thể di chuyển layer vì nó bị khóa.

Nhìn lại vào bảng điều khiển Layer, chúng ta sẽ thấy biểu tượng ổ khóa nhỏ ở ngoài cùng phía bên phải layer Background. Nó báo hiệu cho người dùng biết rằng layer hiện tại đã bị khóa và không thể di chuyển. Vậy vấn đề đầu tiên của layer Background là nó bị mắc kẹt tại vị trí ban đầu:

Biểu tượng khóa cho biết layer này hiện đang bị khóa và không thể di chuyển.

Điều Thứ 2: Không Có Sự Trong Suốt

Mình sẽ mở một hình ảnh khác và đặt nó vào trong khung hình này, hiện tại tâm của khung ảnh đang là màu trắng, cũng có nghĩa là chúng ta cần xóa màu trắng đi và thay vào đó là sự trong suốt để có thể hiển thị hình ảnh. Thông thường khi ta thực hiện việc xóa các pixel trên một layer thì vùng bị xóa sẽ trở nên trong suốt, cho phép người dùng nhìn xuyên qua các layer bên dưới. Tuy nhiên ở đây lại không như thế.

Trước tiên mình sẽ khoanh vùng khu vực bên trong khung ảnh. Bởi phía bên trong toàn bộ là màu trắng nên mình sẽ sử dụng Magic Wand Tool. Theo mặc định, công cụ này được đặt ẩn sau Quick Selection Tool. Nhấp chuột phải (Windows) / Control nhấp chuột (Macbook) vào Quick Selection Tool rồi chọn Magic Wand Tool nằm trong menu ẩn:

Chọn Magic Wand Tool.

Với Magic Wand Tool, mình sẽ nhấp vào một chỗ bất kì phía bên trong khung ảnh để chọn toàn bộ vùng có màu trắng. Một đường viền lựa chọn xuất hiện cung quanh các cạnh cho biết khu vực đó đã được chọn (nhìn trên hình hơi khó để phát hiện ra):

Khu vực màu trắng phía trong khung ảnh đã được chọn.

Nhấn vào Backspace (Windows) / Delete (Macbook) trên bàn phím để xóa khu vực đã được chọn. Nhưng thay vì xóa phần màu trắng đi và thay thế vào đó sự trong suốt như chúng ta mong đợi thì hiện tại PTS đã mở ra hộp thoại Fill yêu cầu người dùng chọn màu muốn tô vào khu vực đó:

Thay vì xóa khu vực màu trắng và thay vào đó sự trong suốt thì PTS mở ra hộp thoại Fill.

Nhấn vào Cancel để đóng hộp thoại vì đây không phải thứ mà chúng ta cần. Việc mình muốn làm là biến vùng màu trắng thành trong suốt chứ không phải đổi sang một màu khác. Chúng ta sẽ thử bằng một cách khác, đi tới menu Edit phía trên đầu màn hình chọn Cut:

Edit > Cut.

Đối với layer bình thường, thao tác này sẽ ngay lập tức cắt phần đã chọn ra khỏi layer và thay vào vị trí đó sự trong suốt. Tuy nhiên ở đây lại một lần nữa không có kết quả như chúng ta mong đợi. Trên thực tế dường như không hề có điều gì xảy ra, bên trong khung ảnh vẫn là màu trắng:

Bên trong khung ảnh vẫn là màu trắng.

Tại sao vậy? Đó là bởi vì PTS đã thực hiện cắt khu vực được chọn và tô vào đó màu nền hiện tại.

Chúng ta có thể thấy hai màu Foreground và Background ở cuối bảng công cụ. Theo mặc định PTS sẽ đặt Foreground là màu đen và Background là màu trắng. Vì hiện tại màu Background là màu trắng nên PTS đã sử dụng nó để tô vào phần bị cắt:

Màu Foreground (phía trên bên trái) và màu Background (phía dưới bên phải).

Chúng ta có thể hoán đổi vị trí của hai màu Foreground và Background bằng cách nhấn X trên bàn phím. Sau khi nhấn X thì hiện tại màu Background của mình giờ đã đổi thành màu đen:

Màu Background bây giờ là màu đen.

Hãy hoàn tác lại bước cuối cùng (cắt vùng chọn) bằng cách đi tới menu Edit chọn Undo Cut Pixels:

Edit > Undo Cut Pixels.

Sau đó lại quay lại Edit chọn Cut:

Edit > Cut.

Lần này, với màu Background được đặt là màu đen, khu vực bên trong khung ảnh đã được lấp đầy bởi màu đen. Bây giờ thì ít nhất chúng ta cũng nhìn ra sự thay đổi khi thực hiện thao tác cắt, tuy nhiên nó lại không phải là kết quả mà mình mong muốn:

PTS tiếp tục lấp đầy vùng bị cắt bằng màu đen.

Tại sao PTS không xóa khu vực bên trong khung ảnh một cách đơn giản nhất mà cứ bắt buộc phải thay vào bằng một màu khác? Lý do là bởi layer Background không hỗ trợ độ trong suốt. Layer Background được coi là lớp nền của tài liệu, cho nên không có gì cần nhìn xuyên qua nó cả. Xét cho cùng nó chỉ làm nền mà thôi.

Dù có cố thử thế nào thì chúng ta cũng không thể biến khu vực bên trong khung hình trở nên trong suốt khi mà nó vẫn nằm ở layer Background. Vậy làm sao để hiển thị hình ảnh khác trong khung đây? Vấn đề này một lát nữa mình sẽ nói đến sau.

Điều Thứ 3: Không Thể Di Chuyển Layer Background Lên Trên Một Layer Khác

Đây là hình ảnh mình muốn đặt vào phía trong khung ảnh:

Hình ảnh muốn đặt vào phía trong khung. (Nguồn: Adobe Stock)

Hình ảnh này hiện đang mở ở trong tài liệu của riêng nó, vậy nên mình sẽ sao chép nó vào cùng tài liệu của khung ảnh bằng cách nhấn Ctrl+A (Windows) / Command+A (Macbook) để chọn toàn bộ ảnh, sau đó nhấn Ctrl+C (Windows) / Command+C (Macbook) để sao chép hình ảnh vào bộ nhớ tạm.

Chuyển sang tài liệu có chứa khung ảnh, nhấn Ctrl+V (Windows) / Command+V (Macbook) để dán hình ảnh vào tài liệu. PTS sẽ đặt hình ảnh vào layer mới với tên gọi “Layer 1” nằm ngay phía trên layer Background:

Hình ảnh thứ hai được thêm vào layer riêng nằm ngay phía trên layer Background.

Nhìn vào tài liệu, có thể thấy hiện giờ hình ảnh mới này đang nằm đè lên khung ảnh:

Bức ảnh đang nằm phía trước khung ảnh.

Để cho bức ảnh cô gái xuất hiện bên trong khung ảnh, chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự layer trong bảng điều khiển để cho khung ảnh sẽ nằm phía trên bức ảnh cô gái này. Thường thì việc di chuyển layer này lên trên layer khác rất dễ dàng, chỉ cần nhấp chuột và kéo là xong. Nhưng đối với layer Background thì thao tác này không khả dụng.

Khi nhấn vào layer Background rồi thử kéo lên phía trên của Layer 1, PTS sẽ hiển thị biểu tượng hình tròn có đường chéo bên trong nó để báo hiệu cho người dùng biết thao tác nào không thể thực hiện được:

Biểu tượng cho biết không thể kéo layer Background lên trên Layer 1.

Lý do không thể thực hiện thao tác này là bởi layer Background luôn luôn có nhiệm vụ làm nền của tài liệu, PTS sẽ không cho phép người dùng di chuyển nó lên trên bất kỳ layer nào khác.

Điều Thứ 4: Không Thể Di Chuyển Layer Nào Khác Xuống Phía Dưới Layer Background.

Vậy nếu không thể di chuyển layer Background lên trên layer khác thì mình thử di chuyển layer đó xuống dưới layer Background xem sao. Mình sẽ nhấn vào Layer 1 và thử kéo nó xuống dưới layer Background. Tuy nhiên hành động này cũng vẫn không được PTS cho phép, lại một lần nữa biểu tượng hình tròn có đường chéo ở giữa lại xuất hiện:

Biểu tượng báo hiệu thao tác không thể thực hiện được lại một lần nữa xuất hiện khi ta cố kéo Layer 1 xuống dưới layer Background.

Lý do là bởi vì layer Background vẫn luôn giữ nhiệm vụ làm nền trong tài liệu. Cho nên chúng ta không thể kéo nó lên trên layer nào cũng như không thể kéo layer đặt phía sau nó.

Điều Thứ 5: Không Thể Thay Đổi Blend Mode, Opacity Hay Fill

Chung quy lại, PTS không cho phép người dùng di chuyển nội dung của layer Background bằng Move Tool bởi vì layer này đã bị khóa tại cỗ. Layer Background cũng không hỗ trợ sự trong suốt vậy nên không có cách nào để xóa thứ gì đó trên layer này. Không chỉ thế bởi vì nhiệm vụ làm nền nên nó luôn luôn phải nằm dưới cùng trong tài liệu, người dùng không thể di chuyển lên xuống giữa nó và các layer khác.

Ngoài ra vẫn còn một số điều người dùng không thể thực hiện với layer Background. Hãy cùng xem qua nhé! Mình sẽ nhấp vào layer Background để chọn nó. Và hãy nhìn lên phía trên bên trái của bảng điều khiển Layer mà xem, hiện tại tùy chọn Blend Mode đã chuyển sang màu xám (không khả dụng). Bình thường người dùng có thể thay đổi Blend Mode của layer để thay đổi cách hòa trộn của layer đó với các layer bên dưới nó, nhưng vì layer Background là lớp nền trong tài liệu nên không có bất cứ layer nào nằm dưới nó. Điều này khiến cho Blend Mode trở nên vô dụng.

Tương tự đối với Opacity và Fill, cả hai cũng chuyển sang màu xám khi layer Background được chọn bởi hai tùy chọn này có công dụng điều chỉnh độ trong suốt của layer, mà layer Background thì lại không hỗ trợ sự trong suốt vậy nên hai tùy chọn này cũng trở nên vô dụng:

Blend Mode, Opacity và Fill không khả dụng đối với layer Background.

Giải Pháp Cực Kỳ Dễ Dàng

Vì nhiệm vụ chính của layer Background là làm nền cho tài liệu nên có khá nhiều quy tắc dành cho nó. Tuy nhiên luật lệ đặt ra là để phá vỡ. Mọi quy tắc đặt ra đều có thể dễ dàng hóa giải. Trong trường hợp này, có một cách cực dễ để xử lý hết các vấn đề trên trong cùng một lúc. Đó là đổi layer Background thành một layer khác. Hết sức đơn giản đúng không nào?!

Để đổi tên cho layer Background, hãy đi tới menu Layer phía trên đầu màn hình, chọn New rồi sau đó chọn Layer From Background:

Layer > New > Layer From Background.

Tuy nhiên có một cách nhanh hơn (cũng là tính năng mới trong Photoshop CC) đó là người dùng chỉ cần nhấn trực tiếp vào biểu tượng ổ khóa phía bên phải của layer Background:

Nhấn vào biểu tượng ổ khóa.

Ngay lập tức layer Background sẽ đổi tên thành “Layer 0” và biểu tượng ổ khóa cũng biến mất:

Tên layer Background giờ đã đổi thành “Layer 0”.

Và là chỉ với thao tác đơn giản như vậy chúng ta đã chuyển layer Background thành một layer bình thường, không còn bị ràng buộc bởi bất kì quy tắc nào nữa. Giờ thì hoàn toàn có thể di chuyển nội dung của layer bằng Move Tool, xóa bất kì nội dung nào đó không cần thiết trên layer và tự do di chuyển bị trí lên xuống giữa layer này và các layer khác.

Ví dụ mình muốn di chuyển khung ảnh nằm đè lên hình ảnh cô gái (Layer 1). Bởi vì khung ảnh giờ đây không còn là layer Background nữa nên chỉ cần nhấp vào Layer 0 rồi kéo nó cho đến khi có một thanh sáng xuất hiện phía trên Layer 1 báo hiệu vị trí mới của Layer 0 sau khi thả chuột:

Kéo Layer 0 lên phía trên Layer 1.

Thả chuột và PTS sẽ đặt Layer 0 nằm ngay phía trên Layer 1, đây chính là điều mình cần:

Layer chứa khung ảnh giờ đã có thể di chuyển lên phía trên layer có hình cô gái (điều mà khi nó nằm ở layer Background chúng ta không thể thực hiện được)

Trước đó chúng ta không thể xóa vùng màu trắng bên trong khung hình bởi vì nó là layer Background, nhưng giờ nó đã đổi thành Layer 0 thì đó không còn là vẫn đề khó khăn nữa. Mình sẽ sử dụng Magic Wand Tool nhấp vào trong khung hình để chọn toàn bộ vùng màu trắng (giống như trước đó):

Lựa chọn khu vực phía trong khung ảnh một lần nữa.

Sau đó nhấn Backspace (Windows) / Delete (Macbook) và thay vì nảy ra hộp thoại Fill thì lần này PTS đã làm đúng những gì mình mong đợi, xóa đi toàn bộ khu vực màu trắng bên trong khung hình và lộ ra hình ảnh nằm phía dưới nó:

Hình ảnh lộ ra sau khi xóa vùng màu trắng bên trong khung hình.

Nhấn Ctrl+D (Windows) / Command+D (Macbook) để bỏ chọn vùng bên trong khung hình và xóa đường viền vùng chọn. Sau đó nhấn vào Layer 1 để chọn nó thành layer đang hoạt động:

Chọn Layer 1.

Chọn Move Tool rồi nhấp vào bực ảnh và cái nó vào vị trí bên trong khung, di chuyển nó sang trái một chút. Mặc dù bây giờ Layer 1 là layer dưới cùng trong tài liệu, tuy nhiên nhiên tên của nó không phải là layer Background cho nên nó không hề bị khóa tại chỗ. Chúng ta hoàn toàn có thể tự do di chuyển nó theo ý muốn:

Kéo ảnh vào vị trí phía trong khung.

Chuyển Một Layer Bình Thường Thành Layer Background

Chúng ta có thể đổi layer Background thành layer thường bằng cách đổi tên cho nó một cái tên bất kì (ngoài tên Background). Vậy nếu muốn làm điều ngược lại thì sao? Đổi một layer thường thành layer Background liệu có dễ dàng? Chắc chắn là được nhưng cách để thực hiện nó thì không hoàn toàn rõ ràng cho lắm.

Có thể bạn sẽ nghĩa tới việc áp dụng cách lúc nãy để làm điều ngược lại là đổi tên một layer bình thường thành Background để biến nó trở thành lớp nền trong tài liệu. Nghe thì có vẻ hợp lý đó nhưng nó hoàn toàn không thực hiện được. Tất cả những gì bạn nhận được chỉ là một layer bình thường với cái tên Background mà thôi.

Để đổi một layer thường thành một layer Background, tức là một lớp nền thực sự. Trước tiên hãy nhấn chọn layer muốn chuyển đổi đó. Lưu ý bạn không cần phải chọn layer dưới cùng trong tài liệu bởi vì chỉ cần bạn chọn một layer bất kì trở thành layer Backgrounf thì PTS sẽ tự động xếp nó xuống dưới cùng sau khi chuyển đổi:

Nhấn chọn Layer 1 để chuyển đổi thành layer Background.

Sau đó đi tới menu Layer, chọn New rồi chọn Background from Layer:

Layer > New > Background from Layer.

Và giờ có thể thấy trong bảng điều khiển Layer thì Layer 1 giờ đây đã trở thành layer Background:

Layer 1 đã chuyển thành layer Background.

Thực ra trong trường hợp này không cần phải đổi layer dưới cùng thành layer Background. Nhưng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi tạo hiệu ứng hoặc ghép ảnh thì việc tạo một layer Background mới là cực kỳ hữu ích.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây