Hướng Dẫn Tạo Hiệu Ứng Ánh Sáng Xuyên Qua Rèm Cửa Trong Photoshop

0
86

HIỆU ỨNG ÁNH SÁNG XUYÊN QUA RÈM CỬA TRONG PHOTOSHOP

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách tạo hiệu ứng như thể ánh sáng xuyên qua rèm cửa chiếu vào chủ thể bằng cách sử dụng bản đồ dịch chuyển để uốn cong và bao phủ bóng của rèm xung quanh đối tượng. Chúng ta sẽ sử dụng lớp điều chỉnh Color Balance để tạo ra nguồn sáng nhìn chân thực hơn.

Mình sẽ sử dụng hình ảnh dưới đây làm ví dụ minh họa:

Ảnh gốc.

Và đây là hình ảnh sau khi áp dụng hiệu ứng ánh sáng xuyên qua rèm cửa:

Kết quả cuối cùng.

Bước 1: Chuyển Hình Ảnh Sang Chế Độ Lab Color

Như mình đã nói, chúng ta sẽ sử dụng bản đồ dịch chuyển để tạo bóng của rèm hắt lên khuôn mặt, bàn tay và tóc của cô gái. Vì vậy việc đầu tiên cần làm lúc này là tạo bản đồ dịch chuyển. Bản đồ dịch chuyển chỉ ggown giản là một hình ảnh đen trắng được PTS sử dụng để xác định cách di chuyển và định vị lại các pixel. Trước hết jaix tạo một phiên bản trắng đen của hình ảnh. Có rất nhiều cách khác nhau để làm được điều này, nhưng mình thì thích sử dụng chế độ Lab Color của PTS để tách các giá trị độ sáng từ màu của hình ảnh.

Để chuyển hình ảnh sang chế độ Lab Color chúng ta chỉ cần đi tới menu Image rồi chọn Mode sau đó chọn Lab Color:

Image > Mode > Lab Color.

Bước 2: Chọn Kênh “Lightness”

Sau khi chuyển đổi hình ảnh sang chế độ Lab Color, nhìn thì có vẻ như không có gì xảy ra với hình ảnh nhưng thực ra là có đó. Bây giờ chúng ta đã tách các giá trị độ sáng ra khỏi màu trong hình ảnh và để xem chính xác điều gì đã xảy ra thì hãy chuyển sang bảng điều khiển Channels. Tại đây có bốn kênh được liệt kê là “Lab”, “Lightness”, “a” và “b”. Kênh “Lightness” chứa tất các các giá trị độ sáng trong ảnh, trong khi màu sắc thì được tách thành kênh “a” và “b”. Kênh “Lab” ở trên đầu hoàn toàn không phải là một kênh, nó chỉ là sự kết hợp của ba kênh kia.

Nhấn vào kênh Lightness để chọn nó:

Chọn kênh Lightness.

Ngay khi chọn kênh “Lightness”, bạn sẽ thấy hình ảnh chuyển thành đen trắng:

Với kênh “Lightness” được chọn thì hình ảnh sẽ chuyển sang màu đen trắng.

Bước 3: Tạo Một Tài Liệu Mới Từ Kênh Lightness

Bản đồ dịch chuyển cần là một tài liệu riêng biệt với hình ảnh gốc. Vì vậy hãy nhấp chuột phải (Win) / Ctrl nhấp chuột (Mac) trực tiếp trên kênh “Lightness” trong bảng điều khiển Channels và chọn Duplicate Channel:

Nhấp chuột phải (Win) / Ctrl nhấp chuột (Mac) trực tiếp trên kênh “Lightness” trong bảng điều khiển Channels và chọn Duplicate Channel.

Thao tác này sẽ mở ra hộp thoại Duplicate Channel. Thay đổi tùy chọn Document thành New để tạo một tài liệu mới từ kênh chứ không phải chỉ sao chép kênh trong cùng một tài liệu, sau đó nhấn OK để đóng hộp thoại:

Đặt Document thành New.

Bây giờ, bạn sẽ có hai tài liệu đang mở trên màn hình, một tài liệu chứa hình ảnh gốc và một tài liệu chứa bản sao của kênh “Lightness”. Chúng ta sẽ làm việc trên tài liệu chứa bản sao của kênh “Lightness” để chuẩn bị sử dụng nó làm bản đồ dịch chuyển.

Bước 4: Dùng Levels Tăng Độ Tương Phản Của Hình Ảnh

Bản đồ dịch chuyển có xu hướng hoạt động tốt nhất khi hình ảnh chúng ta đang sử dụng làm bản đồ dịch chuyển có độ tương phản mạnh. Vì vậy hãy tăng độ tương phản cho tài liệu mới bằng cách sử dụng lệnh Levels. Nhấn phím Ctrl+L (Win) / Command+L (Mac) để mở hộp thoại Levels.

Ở giữa hộp thoại Levels, bạn sẽ thấy có một biểu đồ lớn màu đen, hiển thị cho người dùng thấy phạm vi tông màu hiện tại của hình ảnh. Bên dưới biểu đồ là ba thanh trượt nhỏ: thanh trượt màu đen ở dưới cùng bên trái, thanh trượt màu trắng ở dưới cùng bên phải và thanh màu xám ở giữa. Nhấp vào thanh trượt màu đen và kéo nó về phía bên phải cho đến khi vượt điểm bắt đầu bên trái của biểu đồ. Việc này sẽ làm cho những vùng tối nhất trở nên tối hơn. Sau đó nhấp vào thanh trượt màu trắng và kéo nó về bên trái cho tới khi vượt qua điểm bắt đầu bên phải biểu đồ. Việc này sẽ làm sáng những phần sáng nhất của hình ảnh:

Kéo thanh trượt đen và trắng.

Nhấn OK sau khi hoàn tất để đóng hộp thoại. Hình ảnh bây giờ sẽ có độ tương phản cao hơn trước:

Độ tương phản đã được tăng lên.

Bước 5: Tạo Vùng Chọn Xung Quanh Đối Tượng

Mình muốn bóng từ rèm cửa sổ uốn cong và bao quanh khuôn mặt cũng như tay và tóc của cô gái nhưng lại không ảnh hưởng đến khu vực phía sau, ở phía sau mình vẫn muốn bóng nằm ngang hoàn toàn như thể ánh sáng từ cửa sổ đang chiếu vào bức tường phẳng phía sau người phụ nữ. Để ngăn bản đồ dịch chuyển làm cong bóng ở khu vực đó, mình sẽ tô những khu vực đó bằng màu trắng đồng nhất. Hãy sử dụng một công cụ lựa chọn mà bạn ưa thích (Lasso Tool, Pen Tool, v.v.) để chọn mọi thứ xung quanh cô gái (chọn tất cả mọi thứ trong bức ảnh trừ cô gái). Đừng lo nhiều về việc bỏ sót mất kỳ sợ tóc nào tại vì nó sẽ không tạo ra sự khác biệt rõ rệt về hiệt ứng:

Chọn khu vực xung quanh cô gái bằng công cụ lựa chọn mà bạn ưa thích.

Bước 6: Lấp Đầy Vùng Chọn Bằng Màu Trắng

Với khu vực xung quanh cô gái đã được chọn, đi tới menu Edit, chọn Fill hoặc nhấn phím tắt Shift+F5. Thao tác này sẽ hiển thị hộp thoại Fill của PTS. Đặt tùy chọn Use (Contents) thành White:

Edit > Fill rồi đặt tùy chọn Use thành White.

Hãy đảm bảo tùy chọn Mode được đặt là NormalOpacity được đặt là 100%. Sau đó nhấn OK để thoát khỏi hộp thoại và vùng chọn sẽ được lấp đầy bởi màu trắng:

Vùng chọn được lấp đầy bởi màu trắng.

Nhấn Ctrl+D (Win) / Command+D (Mac) để loại bỏ đường viền chọn.

Bước 7: Làm Mờ Hình Ảnh Bằng Filter Gaussian Blur

Điều duy nhất còn lại cần làm để tạo ra bản đồ dịch chuyển là loại bỏ bất lỳ sự chuyển đổi khắc nghiệt nào giữa các vùng sáng và tối bằng cách áp dụng một lượng mờ vừa phải cho hình ảnh. Và chúng ta sẽ sử dụng filter Gaussian Blur để làm được điều đó. Đi tới menu Filter, chọn Blur rồi chọn Gaussian Blur. Thao tác này sẽ mở ra hộp thoại Gaussian Blur. Kéo thanh trượt Radius ở dưới cùng của hộp thoại sang bên phải để tăng mức độ mờ. Mình sẽ để ở khoảng 4 pixel. Giúp làm dịu hình ảnh một cách độc đáo. Nếu hình ảnh của mọi người có độ phân giải cao hơn thì hãy đặt giá trị Radius ở khoảng 6 – 7 pixel xem sao:

Áp dụng filter Gaussian Blur để làm mờ hình ảnh.

Nhấn OK để đóng hộp thoại. Đây là hình ảnh sau khi áp dụng filter Gaussian Blur:

Hình ảnh sau khi áp dụng filter Gaussian Blur.

Bước 8: Lưu Hình Ảnh Dưới Dạng File .PSD

Hình ảnh để sử dụng làm bản đồ dịch chuyển đã xong, tất cả những gì cần làm bây giờ là lưu nó lại. Hãy nhấn Ctrl+S (Win) / Command+S (Mac) để truy cập lệnh Save của PTS. Vì đây là lần đầu tiên chúng ta lưu tệp nên PTS mở ra hộp thoại Save As cho phép người dùng đặt tên cho tệp, chọn loại tệp và quyết định nơi lưu tệp. Mình sẽ tạo một thư mục trên Desktop với tên gọi “Displacement Maps” rồi lưu tệp vào thư mục này. Đặt tên cho tệp là “window-blinds-displace”. Bạn có thể đặt tên nào đó tùy ý muốn nhưng hãy đảm bảo rằng đã lưu tệp dưới dạng file .PSD. Lý do là bởi chỉ có file .PSD mới có thể sử dụng làm bản đồ dịch chuyển:

Đặt tên cho tệp và lưu lại dưới dạng file .PSD.

Chúng ta có thể đóng tài liệu bản đồ dịch chuyển sau khi đã lưu vì không cần phải mở nó nữa.

Bước 9: Chuyển Ảnh Gốc Về RGB Color

Chúng ta đã hoàn thành công việc trên bản đồ dịch chuyển, giờ có thể bắt đầu tạo hiệu ứng rèm cửa sổ trong ảnh gốc rồi. Trước khi làm điều đó, cần phải chuyển hình ảnh từ Lab Color về RGB Color (chế độ màu ban đầu) bằng cách nhấn vào menu Image, chọn Mode, sau đó chọn RGB Color:

Chuyển hình ảnh về lại RGB Color.

Ngay sau khi chuyển về RGB Color, hình ảnh sẽ có màu trở lại:

Màu sắc quay trở lại sau khi chuyển sang RGB Color.

Nhìn vào bảng điều khiển Channels, bạn sẽ thấy kênh “Lightness”, “a” và “b” đã được thay thế thành kênh “Red”, “Green” và “Blue”. “Lab” đã được thay thế bằng “RGB”:

Bảng điều khiển Channels hiển thị các kênh “Red”, “Green” và Blue.

Quay trở lại bảng điều khiển Layers vì hiện tại chúng ta không cần làm việc với các kênh riêng lẻ nữa.

Bước 10: Thêm Layer Trống Mới

Chúng ta sẽ tạo rèm cửa sổ trên một layer riêng biệt nên hãy nhấp vào biểu tượng New Layer ở cuối bảng điều khiển Layers:

Nhấn biểu tượng New Layer.

Thao tác này sẽ thêm một layer trống mới với tên gọi “Layer 1” nằm ngay trên layer Background (chứa ảnh gốc):

Bảng điều khiển Layer hiển thị layer trống mới nằm trên layer Background.

Bước 11: Sử Dụng Rectangular Marquee Tool

Chúng ta sẽ tạo chiếc bóng cửa sổ đầu tiên. Vì bóng sẽ hình chữ nhật, dài và hẹp nên hãy dễ nhất là sử dụng Rectangular Marquee Tool. Nhấn chọn nó trên Toolbar hoặc dùng phím tắt M:

Chọn Rectangular Marquee Tool.

Bước 12: Kéo Vùng Chọn Hình Chữ Nhật Theo Chiều Ngang Trên Hình Ảnh

Với Rectangular Marquee Tool đã được chọn, hãy kéo ra một vùng chọn dài và hẹp từ trái sang phải ở phía gần trên cùng hình ảnh:

Kéo vùng chọn dài và hẹp ở phía gần trên cùng hình ảnh.

Bước 13: Lấp Đầy Vùng Chọn Bằng Màu Đen

Sau khi kéo vùng chọn, đi tới menu Edit rồi chọn Fill. Chúng ta sẽ lấp đầy vùng chọn bằng màu đen nên hãy đặt tùy chọn Use (Contents) là Black:

Edit > Fill.

Nhấn OK để đóng hộp thoại và PTS sẽ lấp đầy cùng chọn bằng màu đen:

Vùng chọn được lấp đầy bởi màu đen.

Bước 14: Chọn Move Tool

Chúng ta đã vẽ được ô rèm cửa sổ đầu tiên, mặc dù trông nó chả khác gì một hình chữ nhật đen gì. Tuy nhiên trước khi tinh chỉnh thì hãy dùng nó để tạo các ô rèm cửa còn lại. Đầu tiên, chọn Move Tool trên Toolbar hoặc nhấn phím V:

Chọn Move Tool.

Bước 15: Kéo Bản Sao Của Hình Chữ Nhật Màu Đen Xuống Dưới Bản Gốc

Chúng ta sẽ tạo một bản sao của hình chữ nhật đầu tiên này và kéo nó xuống bên dưới hình gốc (có thể thực hiện cả hai cùng lúc). Với Move Tool đã được chọn, hãy nhấn giữ phím Alt (Win) / Option (Mac), bạn sẽ thấy con trỏ chuột Move Tool thay đổi thành hai mũi tên (một đen một trắng). Điều này báo cho người dùng biết rằng chúng ta đã tạo một bản sao của hình chữ nhật khi kéo. Đồng thời nhấn giữ phím Shift, thao tác này sẽ giúp cho chúng ta kéo hình chữ nhật thẳng xuống, ngắn việc vô tình di chuyển lệch hình chữ nhật sang bên nào đó. Sau đó chỉ cần dùng chuột kéo xuống, khi kéo bạn sẽ thấy mình đang kéo ra một bản sao của hình chữ nhật màu đen bên trên (chứ không phải bản gốc). Hãy đảm bảo vẫn có vùng chọn xung quanh hình chữ nhật ban đầu trước khi bắt đầu kéo, như thế sẽ giữ cả hai hình chữ nhật nằm trên cùng một layer. Định vị hình chữ nhật mới vào nơi mà bạn muốn nó xuất hiện:

Nhấn giữ Shift+Alt (Win) / Shift+Option (Mac) và kéo bản sao của hình chữ nhật xuống bên dưới bản gốc.

Bước 16: Tiếp Tục Kéo Để Tạo Phần Còn Lại Của Bóng Rèm Cửa Sổ

Tiếp tục kéo các bản sao cho đến khi xuống tận dưới cùng của hình ảnh. Khi đã hoàn tất việc thêm các bóng của rèm cửa, nhấn Ctrl+D (Win) / Command+D để loại bỏ đường viền chọn. Hình ảnh trông sẽ như thế này:

Hình ảnh sau khi thêm các vùng hình chữ nhật còn lại.

Nhìn vào bảng điều khiển Layers, chúng ta có thể thấy tất cả các hình chữ nhật này đều nằm ở “Layer 1”:

Tất cả các hình chữ nhật đều nằm ở layer 1.

Bước 17: Áp Dụng Filter Gaussian Blur

Hiện tại, hình chữ nhật này vẫn trông khá cơ bản và không có gì đặc biệt. Để làm cho chúng trở nên giống với bóng của rèm cửa hơn thì cần phải làm mềm các cạnh. Chúng ta sẽ sử dụng filter Gaussian Blur. Đi tới menu Filter, chọn Blur sau đó chọn Gaussian Blur. Khi hộp thoại Gaussian Blur mở ra, hãy kéo thanh trượt Radius ở dưới cùng về phía bên phải để làm mờ và mềm các cạnh của hình chữ nhật. Mình sẽ kéo đến khoảng 9 pixel. Bạn có thể theo dõi sự thay đổi tại khu vực xem trước của hộp thoại:

Sử dụng filter Gaussian Blur để làm mờ và mềm các cạnh hình chữ nhật.

Nhấn OK để đóng hộp thoại sau khi hoàn tất. Dưới đây là hình ảnh với các cạnh của hình chữ nhật đã được làm mềm và mờ:

Hình ảnh sau khi áp dụng filter Gaussian Blur cho các hình chữ nhật.

Bước 18: Áp Dụng Filter Displace

Các cạnh của hình chữ nhật giờ đã trông đẹp hơn, nhưng trông vẫn chưa thực tế cho lắm. Một trong những lý do khiến nó không thực tế là vì nó đang chặn hoàn toàn phần hình ảnh bên dưới nó khỏi tầm nhìn. Để mang lại cảm giác chân thực hơn, chúng ta cần uốn cong một chút những cái bóng này tại vị trí quanh khuôn mặt, bàn tay và tóc của cô gái. Đây là nơi chúng ta sẽ sử dụng bản đồ dịch chuyển đã tạo lúc trước.

Với “Layer 1” được chọn trong bảng điều khiển Layers, hãy đi tới menu Filter, chọn Distort rồi chọn Displace:

Filter > Distort > Displace.

Thao tác này sẽ hiển thị hộp thoại đầu tiên (trong số hai hộp thoại) của filter Displace. Tại đây, nó cho phép người dùng quyết định mức độ ảnh hưởng của bản đồ dịch chuyển đối với hình ảnh và chúng ta thực hiện điều này bằng cách nhập giá trị cho các tùy chọn Horizontal Scale và Vertical Scale. Giá trị càng cao thì PTS sẽ di chuyển các pixel càng xa. Trong trường hợp này, chúng ta không cần phải di chuyển các pixel theo chiều ngang nên tùy chọn Horizontal Scale hãy nhập 0, còn tùy chọn Vertical Scale hãy nhập giá trị 20. Bạn có thể cần thử một giá trị khác so với mình để phù hợp hơn với hình ảnh của bạn, nhưng hãy đảm bảo rằng đã chọn các tùy chọn Stretch To FitRepeat Edge Pixels:

Đặt tùy chọn “Horizontal Scale” là 0 và “Vertical Scale” là 20.

Nhấn OK để xác nhận thay đổi và đóng hộp thoại. Tiếp theo chúng ta sẽ chọn bản đồ dịch chuyển.

Sau khi nhấn OK để đóng hộp thoại thứ nhất thì PTS sẽ mở ra hộp thoại thứ hai, lần này nó sẽ hỏi bạn muốn sử dụng tệp nào làm bản đồ dịch chuyển. Hãy điều hướng đến nơi bạn đã lưu bản đồ dịch chuyển lúc trước và chọn chính tệp đó:

Điều hướng đến nơi lưu bản đồ dịch chuyển và chọn nó.

Nhấn Open để đóng hộp thoại và áp dụng bản đồ dịch chuyển cho các bóng rèm cửa sổ, giờ chúng ta có thể uốn cong chúng tạo sự thực tế:

Các bóng bây giờ đã uống cong tại khu vực khuôn mặt, tay và tóc của cô gái.

Bước 19: Hạ Thấp Opacity Của Bóng

Vấn đề còn lại duy nhất là các bóng nhìn còn khá mạnh, chúng vẫn che khuất tầm nhìn nên hãy khắc phục bằng cách giảm Opacity của Layer 1 xuống khoảng 40%:

Giảm Opacity của Layer xuống.

Với giá trị Opacity đã giảm xuống, nhìn bóng trông đã tự nhiên hơn rất nhiều:

Các bóng hiện giờ trông mềm mại và tự nhiên hơn nhiều.

Bước 20: Thêm Lớp Điều Chỉnh “Color Balance”

Bằng cách đó, chúng ta đã thành công tạo ra bóng của rèm của sổ. Để hoàn tất hiệu ứng này, hãy thêm một chút ánh sáng mặt trời vào hình ảnh như thể nắng sớm đang chiếu xuyên qua cửa sổ. Nhấn vào biểu tượng New Adjustment Layer ở cuối bảng điều khiển Layers và chọn Color Balance:

Chọn Color Balance.

Color Balance cho phép chúng ta điều chỉnh màu sắc trong vùng tối, vùng giữa và vùng sáng của hình ảnh. Nó được chia thành hai phần chính: phần bên trên là Color Balance (đây là nơi điều chỉnh màu sắc) và phần bên dưới là Tone Balance (nơi chuyển đổi giữa vùng tối, vùng giữa và vùng sáng). Bắt đầu bằng việc chọn tùy chọn Shadows ở cuối hộp thoại, sau đó kéo thanh trượt dưới cùng trong phần Color Balance về phía bên trái để thêm nhiều màu vàng hơn vào bóng trong hình ảnh. Khi đã cảm thấy thêm đủ, hãy kéo thanh trượt trên cùng về bên phải để thêm một chút màu đỏ:

Thêm màu vàng và một chút màu đỏ vào vùng tối của hình ảnh.

Khi thực hiện xong, hãy nhân chọn tùy chọn Midtones (bên cạnh tùy chọn Shadows) và kéo các thanh trượt để thêm chút màu vàng và đỏ vào các vùng có tông màu trung tính trong ảnh. Cuối cùng nhấn chọn tùy chọn Highlights và lại kéo các thanh trượt để thêm chút màu vàng và đỏ vào các vùng sáng trong ảnh. Sau khi hoàn tất nhấn OK để đóng hộp thoại:

Nếu cần tinh chỉnh lượng màu đã thêm vào ảnh, chỉ cần giảm giá trị Opacity của lớp điều chỉnh Color Balance trong bảng điều khiển Layers.

Và đây là kết quả với chút hiệu ứng ánh sáng mặt trời được tạo bởi lớp điều chỉnh Color Balance:

Hiệu ứng ánh sáng xuyên qua rèm cửa sổ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây