NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BẢNG ĐIỀU KHIỂN LAYERS
Hãy cùng thử tìm hiểu về bảng điều khiển Layers cũng như những kĩ năng cần thiết để tận dụng tối đa chức năng của nó.
Chúng ta đã tìm hiểu qua về layer xem chúng là gì và cách sử dụng như thế nào. Tuy nhiên để có thể tận dụng nó một cách hiệu quả nhất thì chúng ta cần phải học một số kỹ năng cần thiết để làm việc trong Trung tâm Lệnh của PTS – Bảng điều khiển Layers.
Trong bài hướng dẫn này chúng ta hãy cùng xem qua bảng điều khiển Layers và những điều cần biết. Mình sẽ sử dụng Photoshop CS6, tùy nhiên nó hoàn toàn phù hợp với Photoshop CC. Nếu như phiên bản bạn dùng là Photoshop CS5 hay cũ hơn thì hãy làm theo ở đây hoặc xem phiên bản gốc của hướng dẫn bảng điều khiển Layers.
Bảng điều khiển Layers là nơi xử lý tất cả các tác vụ liên quan tới layer từ thêm, xóa cho tới thêm layer mask hay adjustment layer, thay đổi chế độ hòa trộn, bật tắt layer, đổi tên layer hay nhóm các layer… Vì đây là một trong những bảng được sử dụng phổ biến nhất nên Adobe đã thiết laajo mọi thứ để bảng điều khiển Layers tự động mở mỗi khi chúng ta khởi chạy chương trình.
Bảng Điều Khiển Layers
Theo mặc định, bảng điều khiển Layers nằm ở phía dưới góc bên phải màn hình. Dù cho bạn có sử dụng phiên bản nào đi nữa thì vị trí của bảng điều khiển này vẫn không hề thay đổi:
Bảng điều khiển Layers nằm ở phía dưới bên tay phải.
Nếu bảng điều khiển Layers không xuất hiện trên màn hình, hãy truy cập nó bằng cách đi tới menu Window rồi chọn Layers. Dấu kiểm phía bên trái tên bảng điều khiển cho biết bảng điều khiển hiện đang hoạt động trên màn hình:
Tất cả các bảng điều khiển của PTS đều có thể bật/tắt từ menu này.
Hãy thử một hình ảnh bất kì trong PTS:
Hình ảnh được mở trong PTS.
Mặc dù vừa mở ảnh ra và chưa thực hiện bất kì thao tác gì nhưng bảng điều khiển Layers vẫn cung cấp cho ta một số thông tin:
Bảng điều khiển Layers.
Name Tab (Tên Tab)
Trước tiên, làm thế nào để nhận biết bảng điều khiển chúng ta đang thấy là bảng điều khiển Layers? Đó chính là nhờ tên tab ở ngay đầu bảng điều khiển:
Tên tab giúp ta xác định được đó là bảng điều khiển Layers.
Có thể thấy hai tab bên cạnh là Channels và Paths hơi mờ hơn so với tab Layers:
Hai tab Channels và Paths nằm cạnh tab Layers.
Đây là hai bảng điều khiển khác được nhóm cùng với bảng điều khiển Layers. Adobe đã nhóm một số bảng lại với nhau để có thể tiết kiệm không gian trong PTS.
Để chuyển sang bảng khác trong cùng một nhóm, chỉ cần nhấn vào tab của bảng đó. Trong một nhóm, bảng điều khiển hiện đang hoạt động sẽ sáng hơn. Tuy rằng được nhóm với nhau nhưng đừng nhầm tưởng rằng hai bảng điều khiển Channels và Paths có liên quan tới bảng điều khiển Layers nhé. Chúng được sử dụng khá phổ biến nên ta có thể bỏ qua hai bảng này và tập trung xem xét bảng điều khiển Layers một cách cụ thể.
Hàng Layer
Mỗi lần mở một hình ảnh mới trong PTS, hình ảnh đó sẽ được mở ra trong một cửa sổ document và được coi như một layer. PTS sẽ sắp xếp các layer theo từng hàng một trong bảng điều khiển Layers, với mỗi layer là một hàng riêng. Mỗi hàng sẽ cung cấp cho người dùng thông tin khác nhau về layer. Hiện tại mình chỉ có một layer trong tài liệu cho nên bảng điều khiển Layers chỉ hiển thị một hàng. Nhưng ngay khi chúng ta thêm nhiều layer hơn thì các hàng sẽ tự động được bổ sung:
Bảng điều khiển Layers hiển thị các layer dưới dạng hàng cung cấp thông tin.
Tên Layer
PTS đặt hình ảnh mới trên layer có tên Background. Cũng có nghĩa là nó làm nền cho tài liệu. Có thể nhận thấy tên mỗi layer được hiển thị trên hàng của nó. Layer Background là một layer đặc biệt trong PTS (mình sẽ nói kĩ hơn ở bài hướng dẫn về Layer Background):
Hình Thu Nhỏ Xem Trước
Nằm bên trái là hình ảnh thu nhỏ hay còn gọi là hình thu nhỏ xem trước (preview thumbnail) của layer. Nó hiển thị cho chúng ta một bản xem trước nho nhỏ về những gì trên layer cụ thể đó. Trong hình minh họa dưới đây của mình, hình thu nhỏ xem trước cho thấy rằng layer Background chứ hình ảnh của mình. Điều này thực ra hoàn toàn dễ đoán bởi vì tài liệu của mình hiện tại chỉ có một layer:
Hình thu nhỏ xem trước thể hiện cho người dùng thấy những gì trên mỗi layer.
Thêm Một Layer Mới
Để thêm một layer mới vào tài liệu, hãy nhấn vào biểu tượng New Layer ở ngay dưới bảng điều khiển Layers:
Nhấn vào biểu tượng New Layer.
Một layer mới sẽ xuất hiện trong bảng điều khiển, nằm ngay phía trên layer Background. PTS sẽ tự động đặt tên cho các layer. Trong trường hợp này, nó được đặt tên là “Layer 1”. Lưu ý rằng bây giờ chúng ta có hai hàng layer trong bảng điều khiển Layer, mỗi hàng đại diện cho một layer khác nhau:
Một layer mới có tên là “Layer 1” xuất hiện trong bảng điều khiển Layer.
Nếu nhìn vào hình thu nhỏ xem trước của layer mới này, chúng ta sẽ thấy mẫu hình bàn cờ (đây là biểu tượng thể hiện sự trong suốt trong PTS). Vì không có gì khác được hiển thị trong hình thu nhỏ xem trước, nên có thể biết rằng layer mới này hiện tại đang trống:
Mới đầu thêm một layer mới vào tài liệu, layer này hoàn toàn trống.
Nếu như ấn vào biểu tượng New Layer một lần nữa:
Nhấn vào biểu tượng New Layer một lần nữa.
PTS sẽ thêm một layer khác vào tài liệu với tên gọi “Layer 2”. Bây giờ chúng ta có ba hàng layer, mỗi hàng đại diện cho một trong ba layer trong tài liệu:
Mỗi layer nằm ở một hàng riêng của nó trong bảng điều khiển Layers.
Di Chuyển Các Layer
Người dùng có thể di chuyển vị trí của các layer với nhau trong bảng điều khiển bằng cách kéo chúng. Hiện tại Layer 2 đang nằm phía trên Layer 1 bằng cách nhấp vào Layer 2 rồi kéo nó xuống phía dưới của Layer 1 cho tới khi xuất hiện một thanh sáng giữa Layer 1 và layer Background. Đây sẽ là vị trí mới của Layer 2 sau khi thả chuột:
Nhấp giữ vào layer rồi kéo để di chuyển vị trí.
Thả nút chuột sau khi thanh sáng xuất hiện. PTS sẽ thả layer vào vị trí mới:
Layer 2 bây giờ nằm giữa Layer 1 và layer Background.
Layer duy nhất không thể di chuyển trong bảng điều khiển chính là layer Background. Trong khi các layer có thể di chuyển lên xuống giữa vị trí của nhau thì không có layer nào có thể di chuyển xuống bên dưới layer Background. (Mình sẽ trình bày chi tiết hơn ở bài viết sau).
Layer Đang Hoạt Động
Đôi khi chỉ có mình layer Background trong tài liệu của bạn, nó được đánh dấu bằng màu xanh lam trong bảng điều khiển Layer. Sau khi thêm Layer 1, nó sẽ trở thành layer được đánh dấu. Tương tự khi thêm Layer 2 thì nó sẽ trở thành layer được đánh dấu. Vậy có nghĩa là gì?
Khi một layer được đánh dấu có nghĩa nó là layer đang hoạt động. Thao tác chúng ta làm trên tài liệu sẽ được thực hiện với layer đang hoạt động. Mỗi khi thêm một layer mới thì PTS sẽ biến nó trở thành layer đang hoạt động, tuy nhiên người dùng vẫn có thể chủ động thay đổi, lựa chọn layer nào là layer đang hoạt động chỉ bằng một cú nhấp chuột vào layer đó. Ví dụ, mình sẽ nhấn vào Layer 1 để biến nó trở thành layer đang hoạt động, có thể thấy giờ đây Layer 1 đã chuyển thành màu xám:
Layer 1 hiện đang hoạt động.
Xóa Một Layer
Để xóa một layer người dùng chỉ cần nhấp vào nó, giữ nút chuột rồi kéo xuống biểu tượng thùng rác ở cuối bảng điều khiển Layers sau đó thả nút chuột. Mình sẽ thực hiện xóa Layer 1:
Nhấp rồi kéo layer vào biểu tượng thùng rác để xóa chúng.
Thực hiện tương tự với Layer 2:
Kéo Layer vào biểu tượng thùng rác để xóa.
Và bây giờ chỉ còn lại duy nhất layer Background:
Hai layer kia đã bị xóa, chỉ còn lại layer Background.
Sao Chép Layer
Chúng ta đã tìm hiểu về cách thêm layer trống mới vào tài liệu. Nhưng không chỉ thế, chúng ta còn có thể tạo ra bản sao của layer hiện tại trong bảng điều khiển Layers. Để sao chép một layer, hãy nhấp vào nó, giữ nút chuột rồi kéo nó xuống biểu tượng New Layer:
Kéo layer Background xuống biểu tượng New Layer để tạo một bản sao của nó.
Thả nút chuột và bản sao của layer sẽ xuất hiện ngay phía trên bản gốc. Ở ví dụ bên dưới, PTS đã tạo ra bản sao của layer Background và đặt nên nó là “Background copy”. Bản sao chép này cũng ngay lập tức trở thành layer đang hoạt động:
Bản sao chép được đặt ngay phía trên bản gốc.
Mình sẽ áp dụng một vài blur filter cho layer Background copy để hai layer có sự khác biệt. Trước tiên áp dụng filter Motion Blur bằng cách đi tới menu Filter rồi chọn Blur, sau đó chọn Motion Blur:
Filter > Blur > Motion Blur.
Thao tác này sẽ mở ra hộp thoại Motion Blur. Mình sẽ đặt Angle là -45° để chuyển động chạy theo đường chéo từ phía trên bên trái sang phía dưới bên phải. Sau đó bởi vì hình ảnh lớn và có độ phân giải cao nên mình sẽ tăng Distance lên thành 600 pixels. Hoàn toàn có thể chọn giá trị Distance nhỏ hơn nếu ảnh hình ảnh của bạn nhỏ:
Hộp thoại Motion Blur.
Nhấn OK để đóng hộp thoại Motion Blur, và đây là kết quả:
Hình ảnh sau khi áp dụng filter Motion Blur.
Để làm mềm hơn một chút, mình sẽ sử dụng filter Gaussian Blur. Đi tới menu Filter, quay lại Blur rồi chọn Gaussian Blur:
Filter > Blur > Gaussian Blur.
Mình sẽ đặt Radius (ở dưới cùng hộp thoại Gaussian Blur) thành khoảng 20 pixel để làm mềm những đường chéo quá cứng ngắc. Nhắc lại một lần nữa, nếu hình ảnh của bạn nhỏ hơn thì hãy chọn một giá trị nhỏ hơn để có kết quả tốt nhất:
Hộp thoại Gaussian Blur.
Nhấn OK để đóng hộp thoại, đây chính là kết quả đạt được:
Hình ảnh sau khi áp dụng filter Gaussian Blur.
Trông thì có vẻ như mình đã làm mờ toàn bộ hình ảnh nhưng thực tế thì không phải vậy. Hãy nhìn vào bảng điều khiển Layers, bởi vì layer Background copy đang hoạt động nên khi áp dụng filter nó sẽ chỉ áp dụng lên bản sao, bản gốc layer Background hoàn toàn không bị ảnh hưởng.
Chúng ta có thể thấy hình ảnh bị mờ trong hình thu nhỏ xem trước của layer Background copy. Hình ảnh gốc ở layer Background vẫn giữ nguyên, hoàn toàn không bị ảnh hưởng:
Hình thu nhỏ thể hiện sự khác biệt giữa hai layer.
Biểu Tượng Hiển Thị Layer
Nếu cần xem lại ảnh gốc trong tài liệu, chỉ cần tắt layer mờ phía trên đi bằng cách nhấp vào biểu tượng hình con mắt nằm ngay bên trái hình thu nhỏ xem trước. Khi biểu tượng này hiện bình thường có nghĩa là layer này sẽ hiển thị trong tài liệu. Thao tác nhấn vào biểu tượng hình con mắt này sẽ làm ẩn layer đó:
Nhấp vào biểu tượng con mắt để ẩn layer.
Sau khi layer mở bị ẩn, layer gốc sẽ xuất hiện trên màn hình. Thực tế layer mờ vẫn đang ở đó, có điều nó hiện tại đã bị ẩn đi nên chúng ta không thể nhìn thấy:
Ảnh gốc lại xuất hiện trên màn hình.
Để hiển thị lại layer mờ, chỉ cần nhấp vào vị trí biểu tượng con mắt trước đó của layer:
Khu vực biểu tượng hình con mắt bị trống khi layer bị ẩn đi.
Thao tác này sẽ mở lại layer mờ trên tài liệu, một lần nữa lại không thể nhìn thấy ảnh gốc trên màn hình:
Layer mờ đã xuất hiện trở lại.
Đổi Tên Layer
Như đã biết thì PTS sẽ tự động đặt tên cho layer mới được thêm vào, tuy nhiên đôi khi những cái tên như “Layer 1”, “Background copy” không hữu ích cho lắm. Nếu như chỉ có một vài layer trong tài liệu thì điều này không cản trở gì cả. Nhưng nếu bạn phải làm việc với 10, 20 hay thậm chí là 100 layer trở lên thì việc tự đặt cho nó một cái tên phù hợp sẽ khiến cho công việc của bạn dễ dàng hơn nhiều.
Việc đổi tên này cũng khá dễ dàng trong PTS, Chỉ cần nhấn đúp vào tên của một layer trong bảng điều khiển để đánh dấu nó:
Đổi tên cho layer “Backgound copy”.
Sau đó, thay một tên mới cho nó. Mình sẽ đổi tên của layer “Background copy” thành “Blur”. Nhấn Enter (Windows) / Return (Macbook) để xác nhận việc đổi tên:
Layer “Background copy” đã đổi tên thành “Blur”.
Thêm Layer Mask
Layer mask rất cần thiết khi làm việc trong PTS. Chúng ta sẽ không tìm hiểu quá sâu về nó ở bài viết này nên mình sẽ chỉ nói qua về nó một chút. Để thêm layer mask lên trên layer, hãy đảm rằng layer mà bạn muốn thêm vào hiện đang hoạt động. Sau đó nhấp vào biểu tượng Layer Mask ở cuối bảng điều khiển Layers (hình chữ nhật với hình tròn ở giữa):
Nhấn vào biểu tượng Layer Mask (hình chữ nhật với hình tròn ở giữa).
Hình thu nhỏ của layer mask sẽ xuất hiện ở bên phải của hình thu nhỏ xem trước, báo cho bạn biết rằng layer mask đã được thêm vào. Lưu ý hình thu nhỏ được tô màu trắng. Trên layer mask, màu trắng đại diện cho vùng của layer vẫn hiển thị trong tài liệu, trong khi đó thì màu đen đại diện cho các vùng bị ẩn.
Một lưu ý nữa là hình thu nhỏ của layer mask hiển thị một đường viền trắng xung quanh nó cho biết hiện nó đang được chọn và đang hoạt động:
Xuất hiện hình thu nhỏ của layer mask.
Với layer mask được thêm vào, người dùng có thể dùng dùng Brush Tool vẽ để lộ một phần hình ảnh ban đầu ở layer Blur nằm phía dưới:
Chọn Brush Tool.
Để ẩn các chi tiết của layer Blur, chúng ta sẽ đổ màu đen lên trên layer mask. PTS sẽ sử dụng màu Foreground hiện tại làm màu của cọ. Vậy nên trước khi bắt đầu hãy đảm bảo màu Foreground của mình là màu đen nhé.
Có thể thấy màu Foreground và màu Background hiện tại ở phần mẫu màu nằm gần cuối bảng Tools. Theo mặc định, bất cứ khi nào chúng ta chọn layer mask, PTS sẽ đặt màu Foreground và Background thành màu trắng và đen (theo thứ tự). Để hoán đổi vị trí của hai màu này, chỉ cần nhấn vào phím X:
Màu Foreground và màu Background.
Với màu Foreground được đặt thành màu đen, mình sẽ tô trên layer mask để ẩn những phần đó của layer Blur và để lộ phần hình ảnh của layer Background. Người dùng có thể điều chỉnh kích thước cọ vẽ bằng cách nhấn liên tục phím ([) để thu nhỏ bàn chải hoặc phím (]) để phóng to bàn chải. Để các cạnh của cọ trở nên mềm hơn hãy nhấn giữ phím Shift và nhấn liên tục ([) hoặc (]):
Tô màu đen lên trên layer mask để ẩn đi các vùng trên layer Blur.
Hãy nhìn lại hình thu nhỏ của layer mask, có thể thấy rằng giờ đây nó không còn toàn bộ là màu trắng nữa. Một số khu vực vẫn giữ màu trắng tuy nhiên có thể thấy có thêm cả những khu vực đã bị tô đen. Nhắc lại một lần nữa, màu trắng trên layer mask đại diện cho các vùng vẫn hiển thị trên tài liệu, còn vùng bị tô đen đã bị ẩn khỏi chế độ xem:
Hình thu nhỏ của layer mask sau khi tô bằng Brush Tool.
Nếu như phần này hoàn toàn mới lạ với bạn thì cũng đừng lo lắng. Nó sẽ được hướng dẫn chi tiết hơn trong bài viết Tìm Hiểu Về Layer Mask Trong PTS.
Thêm Fill Or Adjustment Layer
Nằm bên phải biểu tượng Layer Mask ở cuối bảng điều khiển chính là biểu tượng New Fill or Adjustment Layer. Nó trông giống như một vòng tròn được phần chia theo đường chéo với hai màu trắng và đen:
Biểu tượng New Fill or Adjustment Layer.
Nhấp vào biểu tượng này sẽ mở ra danh sách để cho người dùng có thể chọn. Ví dụ mình sẽ chọn Hue/Saturation:
Chọn Hue/Saturation.
Tùy chọn Hue/Saturation giúp cho người dùng dễ dàng thay đổi màu sắc trong hình ảnh. Đối với Photoshop CS6 và Photoshop CC, các điều khiển cho adjustment layer (lớp điều khiển) xuất hiện trong bảng Properties. Đối với Photoshop CS4 và CS5, chúng sẽ xuất hiện trong bảng Adjustment. Mình sẽ chỉnh màu cho hình ảnh bằng cách chọn Colorize, sau đó đặt giá trị Hue thành 195 cho mà xanh lam, tăng giá trị Saturation lên 60. Đừng lo lắng nếu như cảm thấy những kiến thức này vượt quá trình độ của bạn, mình sẽ hướng dẫn phần này nhanh thôi:
Bảng Properties (CS6 và CC).
Và kết quả đây:
Hình ảnh sau khi chỉnh màu bằng tùy chọn Hue/Saturation.
Adjustment layer là chủ đề nằm ngoài phạm vi của bài biết này, nhưng mình vẫn tiếp tục nhắc đến nó là để cho các bạn có thể thấy rằng bất kì adjustment layer nào được thêm vào tài liệu cũng đều xuất hiện trong bảng điều khiển layer giống như các layer bình thường. Hiện tại layer Hue/Saturation đang nằm trên layer Blur. Mình đã kéo bảng điều khiển Layers rộng hơn chút để tên đủ chỗ cho tên của layer “Hue/Saturation 1”:
Bảng điều khiển Layers hiển thị bất kỳ fill hay adjustment layer nào mà chúng ta thêm vào.
Thay Đổi Blend Mode
Bảng điều khiển Layers cũng là nơi chúng ta có thể thay đổi blend mode, chế độ này thay đổi cách cách các layer hòa trộn với nhau (layer trên và layer dưới). Tùy chọn Blend Mode nằm ở phía bên trái, ngay bên dưới tên tab trong bảng điều khiển Layers. Không có tùy chọn nào ghi rõ hẳn tên ra là Blend Mode, theo mặc định tùy chọn có chữ Normal chính là nó.
Để chọn một chế độ khác, hãy nhấn vào “Normal” (hoặc có thế là từ khác, nó có thể là bất kì chế độ Blend Mode nào vào thơi điểm đó) sau đó chọn một chế độ hiện lên trong danh sách, ở đây mình sẽ chọn Color:
Để chế độ blend.
Bằng cách thay đổi blend mode của layer Hue/Saturation từ Normal sang Color, giờ đây chỉ các màu có sẵn trong ảnh mới bị ảnh hưởng bởi adjustment layer (lớp điều chỉnh). Các giá trị liên quan đến độ sáng không hề bị ảnh hưởn. Có thể thấy rằng hình ảnh bây giờ đã sáng hơn một chút so với lúc trước:
Chỉ màu sắc trong hình ảnh bị thay đổi, các giá trị độ sáng không hề bị ảnh hưởng.
Để tìm hiểu thêm về blend mode, hãy tham khảo bài viết Năm Chế Độ Blend Mode Cơ Bản Trong Chỉnh Sửa Ảnh.
Tùy Chọn Opacity và Fill
Người dùng có thể kiểm soát mức độ trong suốt của một layer từ bảng điều khiển bằng cách sử dụng tùy chọn Opacity (bên cạnh tùy chọn Blend Mode). Giá trị mặc định là 100%, có nghĩa là chúng thể hoàn toàn không thể nhìn xuyên qua layer, nhưng nếu giảm giá trị độ mờ xuống thì sẽ nhìn xuyên qua được. Mình sẽ giảm độ mờ xuống mức 70%:
Tùy chọn Opacity kiểm soát mức độ trong suốt của layer.
Có thể thấy sau khi giảm đi một chút thì các màu ban đầu của hình ảnh bắt đầu hiện ra:
Các màu ban đầu dần hiện ra.
Ngay bên dưới tùy chọn Opacity là tùy chọn Fill. Tượng tự thì tùy chọn Fill cũng kiểm soát mức độ trong suốt của một layer. Đa phân hai tùy chọn này hoạt động giống hệt nhau. Chỉ có một điểm khác biệt quan trọng giữa chúng liên quan đến kiểu layer. Ở đây mình sẽ không nói quá sâu về vấn đề này, nên hãy tham khảo bài viết Hướng Dẫn Về Tùy Chọn Opacity Và Fill.
Nhóm Các Layer
Trước đó chúng ta đã dùng cách đổi tên các layer để có thể sắp xếp bảng điều khiển Layers sao cho có tổ chức hơn. Nhưng ngoài ra vẫn còn một cách khác nữa đó là nhóm các layer liên quan với nhau tạo thành một nhóm bằng cách nhấp vào biểu tượng New Group ở cuối bảng điều khiển Layers (biểu tượng giống như một thư mục). Tuy nhiên mình sẽ không nhấn vào đó, bởi vì còn có một cách tốt hơn để tạo nhóm layer:
Biểu tượng New Group.
Có một bất tiện khi nhấn vào biểu tượng New Group đó là nó sẽ hoàn toàn trống và người dùng cần tự kéo các layer vào trong nhóm. Thực ra cũng không phải vấn đề rắc rối lắm, tuy nhiên vẫn còn cách nhanh hơn. Ví dụ mình muốn đặt layer Blur và layer adjustment vào cùng một nhóm thì chỉ cần chọn cả hai layer cùng một lúc. Nhấn chọn layer adjustments trước sau đó nhấn giữ phím Shift khi nhấp vào layer Blur, vậy là bây giờ cả hai layer đã được chọn cùng một lúc:
Chọn hai layer cùng lúc.
Sau khi chọn cả hai layer, mình sẽ nhấp vào biểu tượng menu trên góc trên cùng bên phải của bảng điều khiển Layers:
Nhấn vào biểu tượng Menu.
Thao tác này sẽ mở menu bảng điều khiển Layers. Nhấn chọn New Group from Layers:
Chọn New Group from Layers.
Trước khi tạo nhóm mới, PTS sẽ mở một hộp thoại New Group from Layers để chúng ta đặt tên cho nhóm và đặt một số tùy chọn khác. Nhấp vào OK để xác nhận tên và cài đặt mặc định:
Hộp thoại New Group from Layers.
PTS tạo một nhóm mới với tên mặc định là “Group 1” và tự động thêm hai layer mình chọn vào nhóm. Nhóm layer trông giống như thư mục vậy. Chúng ta có thể mở thư mục ra để xem bên trong có gì rồi lại đóng đóng thư mục vào sau khi đã xong. Theo mặc định, nhóm layer không hiển thị sẵn trong bảng điều khiển Layers, để có thể mở và xem các layer bên trong nhóm layer, ta cần nhấn vào hình tam giác nhỏ nằm phía bên trái biểu tượng thư mục:
Hai layer được chọn đã được thêm vào trong nhóm và hiện đang bị ẩn trong bảng điều khiển.
Thao tác này sẽ giúp người dùng nhìn thấy và truy cập các layer nằm trong nhóm. Nhấp một lần nữa vào hình tam giác để đóng nhóm lại:
Nhóm layer rất hữu ích trong việc giữ cho mọi thứ theo trật tự nhất định.
Để xóa nhóm layer, chỉ cần nhấp vào biểu tượng menu ở góc trên cùng bên phải của bảng điều khiển Layer. Sau đó chọn Delete Group:
Chọn Delete Group.
PTS sẽ hỏi xem bạn muốn xóa cái gì. Nếu muốn xóa cả nhóm và các layer bên trong nó, hãy chọn Group and Contents. Còn nếu chỉ muốn xóa nhóm mà vẫn giữ nguyên các layer thì chọn Group Only:
Lựa chọn xóa cả nhóm cả layer hay chỉ xóa mỗi nhóm và giữ lại layer.
Sau khi xóa nhóm, chúng ta lại có 3 layer riêng biệt như lúc trước:
Nhóm đã bị xóa nhưng các layer vẫn được giữ nguyên.
Để tìm hiểu thêm về nhóm layer trong PTS hãy tham khảo bài hướng dẫn về Nhóm Layer.
Kiểu Layer
Ở phía cuối bảng điều khiển còn một biểu tượng nữa đó là biểu tượng kiểu Layer hay còn được gọi là hiệu ứng layer. Đó là lý do vì sao biểu tượng này được gọi là “fx”:
Biểu tượng kiểu layer.
Nó cung cấp cho người dùng những hiệu ứng khác nhau để có thể dễ dàng thêm vào các layer. Nhấn vào biểu tượng kiểu layer sẽ mở ra danh sách các hiệu ứng có thể lựa chọn. Mình cũng sẽ có một bài viết hướng dẫn sâu hơn về Kiểu Layer sau:
Danh sách hiệu ứng.
Khóa Layer
Bảng điều khiển layer cũng cung cấp cho người dùng một số cách khác nhau để khóa một số phân nhất định của layer. Ví dụ, nếu một phần của layer trong suốt thì chúng ta có thể khóa các pixel trong suốt lại, như thế những thao tác ta thực hiện sẽ chỉ ảnh hưởng đến nội dụng thực tế của layer và không hề ảnh hưởng đến khu vực trong suốt. Hoặc cũng có thể khóa tất cả các pixel cho dù chúng trong suốt hay không để ngăn người dùng thực hiện bất kì thay đổi nào đối với layer đó. Không chỉ thế, chúng ta còn có thể khóa vị trí layer để không bị vô tình di chuyển nó xung quanh trong tài liệu.
Có tất cả bốn lựa chọn, mỗi tùy chọn được biểu thị bằng một biểu tượng nhỏ nằm ngay dưới tùy chọn Blend Mode. Lần lượt từ trái sang phải chúng ta có: Lock Transparent Pixels (khóa phần trong suốt), Lock Image Pixels (khóa tất cả điểm ảnh trên layer bao gồm cả phần trong suốt), Lock Position (khóa vị trí) và Lock All (khóa tất cả). Nhấp vào biểu tượng mà bạn muốn lựa chọn để bật nó. Nhấp lại một lần nữa để vô hiệu hóa. Lưu ý bạn cần chọn một layer thực tế (ví dụ như layer Blur của mình chẳng hạn) để tất cả tùy chọn khóa khả dụng:
Bốn lựa chọn khóa.
Nếu bất kì hoặc tất cả tùy chọn này được chọn, ta sẽ thấy một biểu tượng ổ khóa nhỏ xuất hiện phía ngoài cùng bên phải của layer bị khóa, hiện tại layer Background đang bị khóa theo mặc định:
Biểu tượng ổ khóa nhỏ cho biết một hoặc nhiều phần của layer đang bị khóa.
Thanh Tìm Kiếm Layer
Một tính năng mới được thêm vào bảng điều khiển Layer trong Photoshop CS6 đó là thanh tìm kiếm (Search Bar) nằm dọc ngay trên đầu bảng điều khiển (dưới tên tab):
Tính năng tìm kiếm được thêm vào bảng điều khiển Layer trong Photoshop CS6.
Thanh tìm kiếm giúp người dùng nhanh chóng lọc tìm ra layer cụ thể, chỉ xem một số layer nhất định hoặc chỉ xem các layer phù hợp với tiêu chí nhất định. Để sử dụng thanh tìm kiếm, hãy nhấn vào phần tùy chọn với biểu tượng kính lúp với lựa chọn mặc định là Kind (tùy chọn này yêu cầu PTS cho chúng ta thấy từng loại layer riêng biệt).
Tùy thuộc vào bộ lọc mà bạn chọn, bạn sẽ thấy các tùy chọn khác nhau nằm ở phía bên phải. Nếu chọn Kind, sẽ có một hàng biểu tượng đại diện cho các layer khác nhau lần lượt là các layer hình ảnh (có chứa pixel), layer adjustment, layer văn bản, layer hình dạng và các đối tượng thông minh. Nhấp vào một trong các biểu tượng này sẽ lọc ra các layer phù hợp với tiêu chí của loại mà bạn chọn. Chúng ta có thể xem hai hay nhiều layer cũng lúc bằng cách nhấp vào nhiều biểu tượng. Nhấp lại một lần nữa vào biểu tượng để bỏ chọn và xóa nó khỏi tìm kiếm.
Ví dụ: hiện tại mình có hai layer ảnh và một layer adjustment trong tài liệu. Nếu muốn xem các layer hình ảnh chúng ta sẽ nhấn vào biểu tượng layer hình ảnh. Thao tác này sẽ làm ẩn đi layer adjustment và chỉ để lại hai layer hình ảnh trong bảng điều khiển Layer:
Lọc bảng điều khiển để chỉ hiển thị layer hình ảnh.
Lưu ý rằng việc lọc các layer trong bảng điều khiển không thực sự tắt các layer khác trong tài liệu. Nó chỉ ẩn chúng đi trong bảng điều khiển Layer mà thôi. Nếu nhìn vào hình ảnh, chúng ta vẫn thấy các hiệu ứng của layer Hue/Saturation mặc dù hiện tại nó không hiển thị trong bảng điều khiển:
Việc lọc layer trong bảng điều khiển không ảnh hưởng đến việc hiển thị layer trong tài liệu.
Nếu chỉ muốn xem layer adjustment, hãy nhấp vào biểu tượng layer hình ảnh để bỏ chọn nó rồi sau đó nhấn vào biểu tượng layer adjustment bên cạnh:
Chỉ hiển thị layer adjustment.
Nhấp vào phần bộ lọc sẽ có danh hiện ra cho người dùng lựa chọn cách chúng ta có thể lọc các layer của mình theo tên, hiệu ứng, blend mode và nhiều hơn nữa. Như đã nói từ trước. mình đang sử dụng Photoshop CS6, nếu như bạn đang sử dụng Photoshop CC thì bạn sẽ thấy một số tùy chọn lọc bổ sung ở phía dưới ((Smart Object, Selected và Artboard):
Nhấp vào phần bộ lọc để xem tất cả các cách có thể lựa chọn để lọc layer.
Chúng ta sẽ không xem hết lần lượt từng cái trong bài viết này. Mình sẽ thử ví dụ nhanh một cái khác, ví dụ mình đổi kiểu lọc sang “Name”, cho phép hiển thị layer dựa theo tên đã đặt. Đây là lý do vì sao mình đã nói rằng việc đặt tên cho các layer là quan trọng và cần thiết thay vì để tên mặc định của PTS.
Sauk hi chọ Name, chúng ta sẽ nhập tên “Blur” vào phần tìm kiếm và kết quả là chỉ có layer “Blur” hiển thị:
Tùy chọn Name cho phép người dùng tìm kiếm layer theo tên.
Để tắt các tùy chọn lọc, hãy đặt loại bộ lọc thành Kind và đảm bảo không có biểu tượng nào được chọn. Hoặc có thể nhấp vào công tắc đèn ở bên phải của thanh tìm kiếm để bắt/tắt các tùy chọn bộ lọc:
Nhấp vào công tắc đèn để bật/tắt thanh tìm kiếm.
Thay Đổi Kích Thước Hình Ảnh Thu Nhỏ
Tính năng cuối cùng của bảng điều khiển Layer chính là khả năng thay đổi kích thước của hình thu nhỏ xem trước. Hình thu nhỏ lớn giúp người dùng xem trước nội dung của mỗi layer dễ dàng hơn, tuy nhiên nó lại chiếm nhiều chỗ hơn và khiến cho số layer có thể thấy cùng lúc trong bảng điều khiển bị hạn chế hơn. Ngoài ra nó còn làm cho tên layer bị cắt bớt đi vì đôi khi nó không thể vừa hoàn toàn trong phần trống còn thừa lại.
Để có thể có nhiều layer hiển thị cùng lúc hơn trong bảng điều khiển, mình sẽ làm cho hình thu nhỏ xem trước bé đi bằng cách nhấp vào biểu tượng menu của bảng điều khiển Layers rồi chọn Panel Options:
Chọn Panel Options.
Thao tác này sẽ mở ra hộp thoại Layers Panel Options. Ở đầu hộp thoại là tùy chọn Thumbnail Size với ba kích thước để lựa chọn và lựa chọn None (không hiển thị). Chúng ta không nên chọn None mà hãy chọn kích thước nhỏ nhất trong ba kích thước:
Ba kích thước khác nhau dành cho hình thu nhỏ xem trước.
Sau khi chọn kích thước nhấn OK để đóng hộp thoại. Có thể thấy các hình thu nhỏ xem trước trong bảng điều khiển Layer giờ đây đã nhỏ hơn trước và phù hợp hơn rất nhiều, nên nhớ chúng ta có thể thay đổi kích thước của hình thu nhỏ xem trước bất cứ lúc nào:
Hình thu nhỏ xem trước nhỏ hơn để tiết kiệm không gian cho nhiều layer cùng hiển thị hơn.