Hướng Dẫn Tăng Kích Thước Ảnh Bằng Crop Tool

0
494

TĂNG KÍCH THƯỚC KHUNG HÌNH BẰNG CROP TOOL TRONG PHOTOSHOP

Crop Tool không chỉ dùng để cắt xén mà nó còn có tác dụng thêm nhiều khung hay đường viền xung quanh hình ảnh.

Cho đến giờ chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về công dụng chính của Crop Tool là cắt bỏ những vùng không mong muốn của hình ảnh. Nhưng ngoài ra nó vẫn còn tính năng khác (ít được biết đến hơn) đó là dùng để tăng thêm khoảng không gian xung quanh hình ảnh, giúp chúng ta dễ dàng thêm đường viền trang trí bao quanh hình ảnh. Trong bài hướng dẫn này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách dùng Crop Tool để thêm tạo thêm không gian xung quanh hình ảnh cũng như biến không gian thừa quanh hình ảnh thành một đường viền tùy chỉnh đơn giản!

Nếu chưa quen với việc sử dụng Crop Tool, hãy đọc lại bài hướng dẫn trước đây để hiểu rõ hơn trước khi tiếp tục bài hướng dẫn này (hướng dẫn hoàn toàn tương thích với cả Photoshop CC và Photoshop CS6).

Trước tiên hãy mở một hình ảnh trong PTS:

Mở ảnh trong PTS. (Nguồn: Adobe Stock)

Cách Thêm Khung Bằng Crop Tool

Bước 1: Chuyển đổi layer Background thành một layer bình thường

Sau khi mở hình ảnh trong PTS, nhìn về phía bảng điều khiển Layers chúng ta có thể thấy hình ảnh hiện đang nằm ở layer Background và đang là layer duy nhất tại đây:

Bảng điều khiển Layers hiển thị hình ảnh trên layer Background.

Trước khi thêm không gian xung quanh hình ảnh, ta cần chuyển đổi layer Background thành một layer bình thường. Lý do là bởi chúng ta sẽ không muốn khoảng không gian thừa xuất hiện ngay trên hình ảnh chính, mà PTS thì lại không cho phép chúng ta đặt các layer dưới layer Background.

Để thực hiện việc này trong Photoshop CC, chỉ cần nhấp vào biểu tượng ổ khóa nhỏ ngay bên phải của layer Background:

Nhấp vào biểu tượng khóa.

Nếu bạn đang sử dụng Photoshop CS6 hay những phiên bản cũ hơn, hãy nhấn giữ phím Alt (Windows) / Option (Macbook) rồi nhấp đúp vào “Background”:

Nhấn giữ Alt (Windows) / Option (Macbook) rồi nhấp đúp vào tên layer.

Layer Background ngay lập tức trở thành một layer bình thường và tên được đổi thành “Layer 0”:

Layer Background giờ đây trở thành một layer thường có tên gọi “Layer 0”.

Bước 2: Chọn Crop Tool

Bây giờ hãy cùng tìm hiểu cách thêm không gian xung quanh hình ảnh. Chọn Crop Tool ngay trên Toolbar. Hoặc dùng phím tắt C trên bàn phím:

Chọn Crop Tool.

Sau khi chọn Crop Tool, PTS sẽ đặt một đường viền cắt mặc định xung quanh hình ảnh với các chốt điều khiển ở trên, dưới, bên trái, bên phải và bốn góc của hình ảnh. Chúng ta sẽ sử dụng các chốt này để thay đổi kích thước đường viền cắt và thông không gian xung quanh hình ảnh:

Các chốt điều khiển xung quanh hình ảnh.

Bước 3: Kéo chốt điều khiển để thay đổi kích thước đường viền cắt

Để thêm không gian xung quanh hình ảnh, chúng ta cần nhấp vào chốt điều khiển và kéo chúng ra ngoài. Sau đó PTS sẽ mở rộng kích thước khung hình để phù hợp với kích thước mới của đường viền cắt.

Ví dụ mình muốn thêm khoảng trống ở phía bên phải của hình ảnh, chỉ cần nhấp vào chốt điều khiển bên phải rồi tiến hành kéo nó sang phía bên phải:

Kéo chốt điều khiển bên phải.

Khi thả chuột, PTS sẽ thêm một khoảng không gian tại vị trí đó cùng với mô hình bàn cờ. Đây là cách mà PTS thể hiện cho người dùng biết rằng đó là không gian đang trống. Lát nữa chúng ta sẽ khắc phục nó sau:

PTS tạo thêm không gian trống ở phía bên phải của hình ảnh.

Thay vì chỉ thực hiện việc cắt xén, hãy cùng xem cách thêm không gian xung quanh phần còn lại của hình ảnh, cũng như một số phím tắt quan trọng. Mình sẽ hủy hành động cắt và đặt lại đường viền cắt bằng cách nhấn Cancel trên thanh tùy chọn. Hoặc nhấn phím Esc trên bàn phím:

Nhấn Cancel.

Để thêm không gian phía bên trái của hình ảnh, chỉ cần nhấp vào chốt điều khiển bên trái và kéo nó sang bên trái. Hoặc nếu muốn thêm một lượng không gian bằng nhau trên cả hai phía của hình ảnh cùng lúc, hãy nhấn giữ phím Alt (Windows) / Option (Macbook) khi nhấp và kéo chốt điều khiển sang bên trái hoặc phải. Thao tác này sẽ thay đổi kích thước đường viền cắt từ tâm của nó, khiến cho phía đối diện sẽ di chuyển đồng thời theo hướng ngược lại:

Thêm khoảng không gian vào cả hai phía bằng cách nhấn giữ Alt (Windows) / Option (Macbook) khi kéo.

Mình sẽ thả nút chuột, sau đó bỏ giữ phím Alt (Windows) / Option (Macbook) và giờ đây đã có một khoảng trống bằng nhau ở cả hai bên của bức ảnh. Lưu ý thả chuột trước khi bỏ giữ phím, nếu không thủ thuật này sẽ vô hiệu:

Hai khoảng không gian bằng nhau đã được thêm vào hai bên hình ảnh.

Ngoài ra chúng ta còn có thể thêm không gian phía trên và dưới của hình ảnh. Để làm được điều này, chỉ cần nhấp và kéo chốt điều khiển bên trên hình ảnh rồi kéo nó lên trên (đối với bên dưới cũng thực hiện tương tự).

Hoặc để thêm lượng không gian bằng nhau giữa trên với dưới cùng lúc, thì chỉ cần nhấn giữ Alt (Windows) / Option (Macbook) trên bàn phím khi kéo chốt điều khiển phía trên hoặc dưới. Chốt điều khiển còn lại cũng sẽ di chuyển theo (về hướng ngược lại):

Thêm không gian vào bên trên và dưới hình ảnh bằng cách nhấn giữ Alt (Windows) / Option (Macbook) khi kéo một trong hai chốt điều khiển.

Thả nút chuột, sau đó bỏ giữ phím Alt (Windows) / Option (Macbook) và giờ chúng ta có khoảng trống đều nhau ở cả trên và dưới hình ảnh. Hãy đảm bảo bạn thả nút chuột trước khi bỏ giữ phím, nếu không thao tác này sẽ vô hiệu:

Một lượng không gian bằng nhau đã được thêm vào cả trên và dưới hình ảnh.

Hãy nhấn Cancel trên thanh tùy chọn một lần nữa hoặc nhấn phím Esc để có thể xem xét một phím tắt quan trọng hơn:

Nhấn Cancel.

Giữ Nguyên Tỷ Lệ Khung Hình Ban Đầu Của Hình Ảnh

Nếu muốn giữ nguyên tỷ lệ khung hình ban đầu của hình ảnh khi thêm không gian xung quanh nó thì sao? Ví dụ hình ảnh có tỷ lệ 8 x 10 và giờ bạn vẫn muốn giữ nguyên tỷ lệ đó khi thêm không gian thì làm cách nào?

Chỉ cần nhấn giữ Shift+Alt (Windows) / Shift+Option (Macbook) khi kéo bất kì chốt điều khiển (ở góc) nào ra ngoài. Phím Alt yêu cầu PTS thay đổi kích thước đường viền từ tâm của nó, trong khi đó phím Shift sẽ yêu cầu khóa tỷ lệ khung hình gốc tại chỗ.

Hiện tại mình đang thực hiện nhấn giữ tổ hợp phím trên khi kéo góc trên cùng bên trái ra ngoài. Có thể thấy cả bốn góc đều đồng thời di chuyển ra ngoài:

Bổ sung thêm không gian xung quanh hình ảnh cùng lúc trong khi vẫn giữ tỷ lệ khung hình ban đầu.

Bây giờ mình sẽ thả nút chuột, sau đó bỏ giữ tổ hợp phím (lưu ý thứ tự). PTS sẽ thêm vùng không gian trông xung quanh hình ảnh, trong khi đó tỷ lệ khung hình vẫn được giữ nguyên như lúc đầu:

Tỷ lệ khung hình vẫn giữ nguyên dù đã thực hiện thao tác thêm một khoảng không gian vào ảnh.

Bước 4: Xác nhận

Nhấn vào dấu tích trên thanh tùy chọn hoặc phím Enter (Windows) / Return (Macbook) để áp dụng thay đổi:

Nhấn vào dấu tích để xác nhận.

Và đây là kết quả:

Hình ảnh sau khi thực hiện thêm một khoảng không gian.

Bước 5: Đổ màu

Hiện tại nhìn bức ảnh khá là trơ, vì thế hãy biến khoảng trống vừa thêm vào thành một đường viền của hình ảnh bằng cách sử dụng Solid Color.

Trước tiên hãy nhấn vào biểu tượng New Fill or Adjustment Layer (lớp tô màu hoặc lớp điều chỉnh mới) ở góc phía dưới bảng điều khiển Layers:

Nhấn vào biểu tượng New Fill or Adjustment Layer.

Sau đó chọn Solid Color trong menu hiện ra:

Chọn Solid Color.

PTS sẽ mở ra bảng Color Picker, đây chính là nơi chúng ta có thể chọn màu cho đường viền. Mặc định luôn là màu đen, tuy nhiên hãy thử chọn màu trắng ở trường hợp này. Cuối bài viết mình sẽ nói rõ hơn về cách tùy chỉnh giao diện của đường viền bằng cách chọn màu trực tiếp từ hình ảnh:

Chọn màu trắng.

Nhấn OK để đóng bảng màu. PTS lúc này sẽ tạm thời lấp đầy toàn bộ hình ảnh và chúng ta không thể nhìn thấy hình ảnh trước đó đâu nữa:

Màu trắng phủ trọn toàn bộ ảnh.

Bước 6: Chuyển lớp tô màu nằm xuống dưới hình ảnh

Nhìn vào bảng điều khiển Layers, ta sẽ thấy lớp tô màu có tên là “Color Fill 1” và nó đang chặn hình ảnh hiển thị trên màn hình. Lý do là bởi nó hiện đang nằm phía trên layer “Layer 0”. Trong PTS, bất kì layer được xếp bên trên trong bảng điều khiển thì nó cũng sẽ xuất hiện với thứ tự tương tự như thế trên cửa sổ document:

“Color Fill 1” đang đứng bên trên.

Điều cần làm là di chuyển layer “Color Fill 1” xuống dưới để nó nằm phía sau hình ảnh. Rất đơn giản ta chỉ cần nhấp vào layer “Color Fill 1” rồi kéo nó xuống dưới layer “Layer 0” trên bảng điều khiển Layers. Khi thấy thanh ngang xuất hiện bên dưới “Layer 0” thì thả nút chuột:

Chuyển layer “Color Fill 1” xuống dưới layer “Layer 0”.

PTS sẽ chuyển lớp tô màu này nằm xuống phía dưới của hình ảnh:

Vị trí hiện tại của hai layer trên bảng điều khiển.

Giờ đây hình ảnh sẽ xuất hiện phía trước lớp tô màu trắng, tạo nên hiệu ứng khung viền:

Hình ảnh với khung viền màu trắng.

Bước 7: Chọn “Layer 0”

Hãy thử đổ bóng bức ảnh xem có đẹp hơn không nhé. Nhấp vào “Layer 0” trong bảng điều khiển:

Chọn “Layer 0”.

Bước 8: Đổ Bóng

Nhấn vào biểu tượng Layer Styles (fx) nằm phía dưới bảng điều khiển Layers:

Chọn Layer Styles.

Chọn Drop Shadow:

Chọn Drop Shadow.

Thao tác này sẽ mở ra hộp thoại Layer Style với tùy chọn Drop Shadow nằm chính giữa:

Tùy chọn Drop Shadow trong hộp thoại Layer Style.

Khi đổ bóng, điều đầu tiên chúng ta hay làm đó là đặt góc và khoảng cách của bóng. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện bằng cách điều chỉnh các giá trị Angle (góc) và Distance (khoảng cách). Tuy nhiên có một cách dễ hơn đó là nhấp vào hình ảnh bên trong cửa sổ tài liệu, giữ nút chuột và kéo hình ảnh ra theo hướng muốn bóng đổ. Kéo tới đâu bóng sẽ di chuyển tới đó.

Ở hình ảnh dưới đây, mình đã cho hình ảnh đổ bóng ở góc phía dưới bên phải:

Đổ bóng bằng cách nhấp giữ và kéo hình ảnh.

Khi bạn thực hiện hành động kéo, các giá trị Angle và Distance trong hộp thoại sẽ được cập nhật. Trong ví dụ của mình hai giá trị đang là Angle = 135° và Distance = 180px (có thể sẽ hơi khác so với giá trị trong hộp thoại của các bạn):

Giá trị Angle và Distance.

Sau khi đặt xong Angle và Distance, hãy làm mềm các cạnh bằng cách kéo thanh thiệt Size trong hộp thoại. Giá trị này càng cao thì bóng sẽ càng mềm mại. Tương đồng với giá trị Distance, giá trị Size phụ thuộc phần lớn vào kích thước hình ảnh, như trong ví dụ của mình thì giá trị Size khoảng 50px là ổn.

Ngoài ra còn có thể kiểm soát ánh sáng hay bóng tối bằng cách kéo thanh trượt Opacity, mình sẽ để nó ở giá trị mặc định 35%:

Giá trị Size và Opacity.

Khi đã hài lòng, nhấn OK để đóng hộp thoại. Dưới đây chính là kết quả đạt được sau khi thực hiện thay đổi:

Hiệu ứng đổ bóng.

Đổi Màu Viền

Đối với khung viền, tuy đã chọn màu trắng trước đó nhưng người dùng hoàn toàn có thể dễ dàng thay đổi sang bất kỳ màu nào khác, thậm chí có thể lấy màu trực tiếp từ hình ảnh.

Để thay đổi màu sắc khung viền, chỉ cần nhấp đúp vào layer “Color Fill 1” trên bảng điều khiển Layers:

Nhấp đúp chuột.

Thao tác này sẽ lại mở ra bảng Color Picker:

Bảng Color Picker.

Nếu xác định được chính xác màu cần dùng, bạn có thể chọn màu đó ngay trong Color Picker. Hoặc có thể chọn màu trực tiếp từ hình ảnh, chỉ cần di chuyển con trỏ chuột qua ảnh, khi thấy biểu tượng eyedropper thì nhấp vào một màu nào đó từ hình ảnh để lấy mẫu, PTS sẽ ngay lập tức đặt nó làm màu mới cho viền.

Ví dụ mình nhấp vào phần áo dạ xám của người đàn ông (khoanh tròn màu vàng), ngay lập tức khung viền của mình sẽ đổi sang màu xám:

Nhấp vào áo khoác sẽ khiến cho khung viền ngay lập tức đổi thành màu xám.

Nếu không thích màu đó, chỉ cần nhấp vào màu khác trong ảnh để lấy mẫu và thử lại. Lần này mình sẽ nhấp vào phần mũ của người phụ nữ. PTS sẽ lại ngay lập tức cập nhật màu viền mới cho phù hợp. Sau khi hài lòng với kết quả, hãy nhấn OK để đóng bảng Color Picker:

Màu của khung viền đã được đổi theo màu mũ của người phụ nữ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây