Cách Sử Dụng Workspaces Trong Photoshop

0
2298

CÁCH SỬ DỤNG WORKSPACES TRONG PHOTOSHOP

Tìm hiểu về không gian làm việc (workspaces) của PTS và cách sử dụng chúng sao cho hợp lý cũng như cách tùy chỉnh giao diện PTS. Bao gồm không gian làm việc Essentials và các không gian làm việc tích hợp sẵn khác, cách lưu không gian làm việc tùy chỉnh.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về không gian làm việc trong PTS. Nó là một bố cục được cài đặt sẵn dành cho tất cả các phần tạo nên giao diện PTS. Ngoài ra nó còn xác định bảng điều khiển nào sẽ hiển thị trên màn hình cũng như cách sắp xếp các bảng đó. Không gian làm việc cũng có thể thay đổi những công cụ có sẵn trên Toolbar. Nó bao gồm các mục menu hay thậm chí cả các phím tắt. Tất cả những thứ này đều được coi là một phần của không gian làm việc.

Không gian làm việc cung cấp cho người dùng cách để tùy chỉnh giao diện PTS phù hợp cho công việc cụ thể. Bởi PTS có quá nhiều bảng xuất hiện trên màn hình cùng một lúc, thế nên điều quan trọng là chúng ta cần giới hạn sao cho chỉ hiển thị những bảng thực sự cần dùng đến. Ví dụ như một nhiếp ảnh gia thì sẽ chỉ sử dụng những bảng liên quan tới edit và retouch ảnh. Còn một họa sĩ ảnh kĩ thuật số thì lại cần những bảng khác để có thể lựa chọn cọ vẽ và màu sắc. Hay như một người thiết kế web và đồ họa, chỉnh sửa video thì lại cần dùng những bảng điều khiển phù hợp với công việc của họ. Không gian làm việc sẽ hợp lý hóa giao diện cho các tác vụ, giữ cho màn hình không bị lộn xộn và khiến cho công việc trở nên hiệu quả hơn.

Bạn Sẽ Học Được Gì Từ Bài Viết Này?

Chúng ta đã tìm hiểu về cách quản lý bảng điều khiển trong bài viết trước. Cũng như đã học về cách tùy chỉnh Toolbar mặc dù giờ nó được coi như một phần không thể thay đổi của không gian làm việc thì các mục như menu, phím tắt hay không gian làm việc thường được sử dụng để chuyển đổi giữa các bố cục bảng điều khiển. Vậy nên trong bài hướng dẫn này, chúng ta sẽ xem xét không gian làm việc mặc định của PTS cũng như các không gian được tích hợp sẵn. Tìm hiểu về cách chuyển đổi giữa các không gian làm việc. Hay thậm chí là cách lưu, cập nhật và xóa các không gian làm việc tùy chỉnh. Cuối cùng chúng ta sẽ học về cách khôi phục không gian làm việc về mặc định.

Bài hướng dẫn này phù hợp với trình Photoshop CC, đối với Photoshop CS6 bạn nên xem hướng dẫn cách lưu và chuyển đổi không gian làm việc trong Photoshop CS6.

Không Gian Làm Việc Mặc Định

Theo mặc định, PTS sử dụng không gian mặc định có tên gọi Essentials. Nếu bạn chưa bao giờ thay đổi sang sử dụng không gian nào khác, thì không gian làm việc bạn đang dùng chính là Essentials. Nó cũng chính là không gian làm việc mà mình sử dụng trong các bài hướng dẫn. Essentials là không gian làm việc có mục đích chung, phù hợp với nhiều công việc khác nhau. Nó bao gồm một số bảng điều khiển phổ biến như Layer, AdjustmentsProperties, ColorSwatches:

Không gian mặc định Essentials.

Bảng Điều Khiển Mặc Định

Hãy cùng xem xét kĩ hơn các bảng điều khiển mặc định. Như đã tìm hiểu trước đây, các bảng điều khiển nằm ở phía bên phải màn hình. Bảng Libraries (mới có trên Photoshop CC) nằm cột riêng ngoài cùng bên phải màn hình. Các bảng được sử dụng nhiều nhất như: Layers, Properties, Color v.v. nằm ở cột chính. Bên cạnh là một cột phụ chứa bảng HistoryDevice Preview. Theo mặc định, các bảng ở cột phụ được thu gọn chỉ hiện các biểu tượng. Người dùng có thể mở rộng bảng điều khiển ở chế độ chỉ hiện biểu tượng bằng cách nhấp vào biểu tượng của nó. Nhấp lại vào biểu tượng đó một lần nữa để thu gọn bảng điều khiển:

Các bảng trong không gian làm việc Essentials.

Các Không Gian Làm Việc Khác

Essentials tuy là không gian mặc định nhưng không phải là không gian làm việc duy nhất trong PTS. Ngoài nó ra còn có nhiều không gian làm việc khác để người dùng lựa chọn. Hãy đi tới menu Window rồi chọn Workspace. Tất cả những không gian làm việc được tích hợp trên PTS đều nằm được liệt kê tại đây, kể cả những không gian làm việc tùy chỉnh. Dấu tích bên cạnh Essentials cho biết nó hiện đang hoạt động. Để chọn một không gian làm việc khác, chỉ cần nhấp vào tên của nó để chọn:

Vào menu Window chọn Workspace.

Một cách khác đó là nhấp vào biểu tượng không gian làm việc ở phía bên phải của giao diện (ngay trên cột bảng điều khiển):

Nhấn vào biểu tượng Workspace.

Bạn sẽ tìm được danh sách các không gian làm việc tại đây. Dấu tích cho biết không gian làm việc nào đang hoạt động và bạn chỉ cần nhấn vào tên của nó để lựa chọn không gian làm việc:

Xuất hiện danh sách không gian làm việc.

Chọn Thử Không Gian Làm Việc Khác – Photography

Sau khi mở ra danh sách các không gian làm việc, hãy thử chọn một không gian làm việc khác. Ví dụ mình sẽ chọn Photography, như tên gọi của nó thì đây là một lựa chọn tốt để chỉnh sửa hình ảnh:

Chuyển sang không gian làm việc Photography.

Việc chuyển đổi không gian làm việc sẽ thay đổi các bảng điều khiển trên màn hình. Hãy cùng xem sự khác biệt giữa hai không gian làm việc Essentials và Photography. Ví dụ, bảng Libraries trước đây nằm ở một cột riêng bên phải cột chính thì nay đã được nhóm vào cùng với bảng Adjustments trong cột chính. Việc này giúp giải phóng thêm không gian để hiển thị hình ảnh.

Trong không gian làm việc Essentials, hai bảng điều khiển ColorSwatches được nhóm lại với nhau ở đầu cột chính, tuy nhiên trong không gian Photography thì vị trí này đã được thay thế bằng hai bảng HistogramNavigator. Hai bảng này cực kỳ hữu ích trong việc chỉnh sửa hình ảnh (edit, retouch). Ngoài ra cột phụ trong không gian Essentials có hai bảng HistoryDevice Privew thì ở không gian Photography chỉ còn lại bảng History (bảng Device Privew đã biến mất) và thêm ba bảng mới là Actions, Info, và Clone Source cùng với bảng Properties (trong không gian làm việc Essentials nó nằm ở cột chính). Thứ duy nhất không thay đổi giữa các không gian làm việc là bảng điều khiển Layers, ChannelsPaths. Ba bảng này vẫn được nhóm lại với nhau ở cột chính:

Bố cục bảng điều khiển cho không gian làm việc Photography.

Không Gian Làm Việc Painting

Hãy cùng thử một không gian làm việc khác bằng cách nhấp vào biểu tượng không gian làm việc ở phía trên bên phải giao diện, sau đó chọn thử không gian làm việc Painting:

Chọn không gian làm việc Painting.

Giống như không gian làm việc Photography phù hợp với việc edit ảnh thì không gian làm việc Painting cũng được sắp xếp sao cho phù hợp với tranh kĩ thuật số. Hiện tại, ở đầu cột chính bây giờ đã thay đổi thành bảng Swatches. Dưới nó là bảng Brush Presets. Cột phụ vẫn giữ nguyễn bảng History và bảng Clone Source. Nhưng ba bảng Actions, PropertiesInfo đã bị thay thế bằng hai bảng BrushTool Presets. Bảng Libraries đã chuyển từ cột chính sang cột phụ, giờ đây nó đã chiếm ít không gian hơn:

Bố cục bảng điều khiển không gian làm việc Painting.

Khôi Phục Không Gian Làm Việc Mặc Định

Để chuyển về không gian mặc định, hãy đi tới menu Window, chọn Workspace rồi chọn Essentials. Hoặc nhấn vào biểu tượng không gian làm việc phía trên bên góc phải rồi chọn Essentials:

Trở về không gian làm việc mặc định.

Bây giờ chúng ta quay lại bố cục bảng điều khiển mặc định:

Khôi phục bố cục bảng điều khiển mặc định.

Tùy Chỉnh Bố Cục Bảng Điều Khiển

Hãy thử thực hiện một vài thay đổi với bố cục bảng điều khiển mặc định của PTS. Khi hoàn tất chúng ta sẽ tìm hiểu cách lưu bố cục mới dưới dạng không gian làm việc tùy chỉnh. Mình đã để cập đến việc di chuyển và sắp xếp các bảng điều khiển trong bài hướng dẫn trước, nên phần này mình sẽ chỉ nhắc sơ qua.

Di Chuyển Bảng Điều Khiển

Đầu tiên thử di chuyển một trong các bảng hiện có. Mình sẽ nhóm bảng Libraries vào cùng nhóm với nhóm bảng Layers, Channels và Paths. Để làm được điều này, nhấp vào tab Libraries, giữ chuột rồi kéo nó vào nhóm bảng Layers, Channels và Paths ở cột chính. Khi xuất hiện khung màu xanh bao quanh nhóm này, thả chuột để thả bảng Libraries vào trong nhóm:

Kéo bảng Libraries vào nhóm Layers, Channels và Paths.

Mở Một Bảng Điều Khiển Mới

Tiếp theo, hãy mở thêm một bảng điều khiển chưa có trên màn hình. Mình sẽ đi tới menu Window và chọn Styles:

Mở bảng Styles từ menu Window.

Theo mặc định, PTS sẽ nhóm bảng Styles và cùng nhóm với hai bảng Properties và Adjustments ở cột chính:

Bảng Styles được xếp cùng một nhóm với hai bảng Properties và Adjustments.

Bây giờ mình muốn nhóm bảng Styles vào cùng nhóm với hai bảng Color và Swatches thì chỉ cần nhấp vào tab của nó và kéo nó lên vị trí nhóm Color và Swatches. Sau khi xuất hiện khung màu xanh bao quanh nhóm, thả nút chuột để bảng Styles được nhóm vào vị trí nhóm mới:

Kéo bảng Styles vào cùng nhóm với hai bảng Color và Swatches.

Đóng Bảng Điều Khiển

Cuối cùng, hãy đóng một trong các bảng điều khiển. Bảng Device Preview nằm ở cột phụ được thu gọn tới mức chỉ hiển thị biểu tượng. Mặc dù nó không chiếm nhiều diện tích tuy nhiên lại không thực sự cần nó hiển thị trên màn hình nên mình sẽ đóng nó lại. Để làm điều này, mình sẽ nhấp chuột phải (Window) hoặc Control nhấp chuột (Mac) vào biểu tượng của bảng điều khiển rồi chọn Close:

Đóng bảng Device Preview ở cột phụ.

Bây giờ trên màn hình đã là giao diện tùy chỉnh của mình. Trước khi tiếp tục, hãy nhớ rằng mình đã thực hiện thay đổi này đối với không gian mặc định của PTS – Essentials:

Bố cục mới.

Lưu Không Gian Làm Việc Mới

Để lưu một bố cục tùy chỉnh thành không gian làm việc mới, hãy đi tới menu Window, chọn Workspace sau đó chọn New Workspace. Hoặc kích vào biểu tượng không gian làm việc rồi chọn New Workspace:

Chọn New Workspace.

Trong hộp thoại New Workspace, hãy đặt tên cho không gian làm việc tùy chỉnh của bạn. Mình sẽ đặt thử là “Steve’s workspace’’. Bạn có thể đặt bất kì tên gì mà bạn muốn. Ở cuối hộp thoại là các tùy chọn bao gồm các phím tắt, menu tùy chỉnh cũng như bố cục Toolbar tùy chỉnh. Mình không tạo bất kì cái gì liên quan tới những thứ trên nên hiện tại hãy lướt qua chúng. Cuối cùng để lưu không gian làm việc mới, nhấp vào Save:

Đặt tên và lưu không gian làm việc mới.

Sau khi lưu không gian làm việc mới, Mình sẽ lại nhấp vào biểu tượng không gian làm việc ở góc trên bên trái màn hình, có thể thấy không gian làm việc mới lưu đã xuất hiện ở ngay đầu danh sách:

Không gian làm việc mới đã được thêm vào danh sách.

Cập Nhật Không Gian Làm Việc Tùy Chỉnh

Nếu cập nhật các thay đổi đối với bố cục bảng điều khiển, bạn có thể lưu các thay đổi bằng cách cập nhật không gian làm việc. Tất nhiên chúng ta không thể tìm thấy nút cập nhật không gian làm việc ở đâu cả. Thực tế các bước để cập nhật nó giống như lưu không gian làm việc vậy. Chúng ta sẽ lưu nó bằng cách sử dụng cùng một tên như trước. Hãy đi tới menu Window, chọn Workspace rồi chọn New Workspace. Hoặc nhấn vào biểu tượng không gian làm việc rồi chọn New Workspace. Tại hộp thoại được mở ra, hãy nhập chính xác tên giống với tên không gian làm việc hiện có. Ví dụ như của mình là “Steve’s workspace”, rồi sau đó nhấn Save. PTS sẽ lưu lại những thay đổi của bạn trong không gian làm việc này.

Đặt Lại Không Gian Làm Việc Mặc Định

Như đã nói từ trước để trở về không gian mặc định của PTS, người dùng chỉ cần chọn Essentials:

Chọn Essentials để quay lại không gian làm việc mặc định.

Lưu ý ngay cả sau khi chọn không gian làm việc Essentials thì bổ cục bảng điều khiển cũng vẫn không thay đổi. Thay vì hiện ra bố cục mặc định thì nó vẫn giữ nguyên bố cục tùy chỉnh:

Vẫn hiển thị bố cục tùy chỉnh ngay cả khi đã chuyển sang không gian làm việc Essentials.

Tại sao bố cục tùy chỉnh không hề bị thay đổi? Thử nhớ lại một chút lúc chúng ta tạo bố cục tùy chỉnh. Vấn đề ở đây là bảng điều khiển có tính “kết dính”, tức là PTS ghi nhớ những thay đổi của bố cục và nó sẽ giữ cho bố cục đó hoạt động tới khi nào ta thực hiện yêu cầu nó trở lại bố cục mặc định. Bởi vì đã thực hiện thay đổi đối với không gian Essentials nên việc chọn lại không gian này là chưa đủ. Để đưa bố cục bảng điều khiển về mặc định chúng ta cần đặt lại không gian làm việc.

Trước tiên hãy đảm bảo bạn đã chọn nó làm không gian đang hoạt động. Sau đó đi tới menu Window và chọn Workspace (hoặc nhấp vào biểu tượng không gian làm việc) rồi chọn Reset Essentials:

Reset Essentials.

Giờ đây, sau khi reset lại không gian làm việc Essentials, bố cục bảng điều khiển đã quay trở lại mặc định như lúc đầu:

Việc reset lại không gian làm việc Essentials đã xóa bố cục tùy chỉnh.

Xóa Không Gian Làm Việc Tùy Chỉnh

Cuối cùng, hãy tìm hiểu về cách xóa không gian làm việc tùy chỉnh. Mình sẽ xóa “Steve’s workspace”. Một lưu ý nhỏ đó là PTS không cho phép người dùng xóa không gian làm việc đang hoạt động. Vì thế trước tiên bạn cần chọn một không gian làm việc để cho nó khác hoạt động. Trong trường hợp của mình thì mình đã đổi sang không gian làm việc Essentials. Để xóa không gian làm việc tùy chỉnh, hãy đi tới menu Window rồi chọn Workspace (hoặc nhấn vào biểu tượng không gian làm việc) rồi chọn Delete Workspace:

Chọn Delete Workspace.

Trong hộp thoại Delete Workspace hãy chọn không gian mà bạn muốn xóa. Mình sẽ chọn “Steve’s workspace” sau đó nhấn Delete:

Chọn xóa không gian tùy chỉnh.

PTS sẽ hỏi bạn xem có chắc chắn xóa không gian làm việc này không, nhấp vào Yes:

Xác nhận xóa không gian làm việc.

Không gian làm việc tùy chỉnh đã bị xóa, hiện tại trên menu không gian làm việc đã không còn sự xuất hiện của “Steve’s workspace”:

Không gian làm việc tùy chỉnh đã bị xóa.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây